Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan trọng nhất là “đầu ra” cho sản phẩm

Linh Nhi| 13/01/2018 08:06

(HNM) - Nói đến khởi nghiệp là nói đến sự mạo hiểm, song nếu không khởi nghiệp thì không có phát triển lớn mạnh và bền vững. Khởi nghiệp trong nông nghiệp không ngoài quy luật này, thậm chí nhiều rào cản, khó khăn hơn so với các lĩnh vực khác. Đặc biệt, yếu tố

Những câu chuyện khởi nghiệp

Là cán bộ nhà nước, nhưng chứng kiến cảnh người dân quê mình ở huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) luôn phải chịu cảnh bị thương lái trong và ngoài nước ép giá sản phẩm sen, Nguyễn Minh Nhật đã rời TP Hồ Chí Minh về quê khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp. Bằng số vốn vay mượn gần 100 triệu đồng, Nhật thuê 200m2 đất, dựng nhà xưởng, mua máy móc công cụ, thành lập cơ sở thu mua chế biến sen Nhật Ý. Tâm huyết là thế, nhưng Nhật cho biết: “Khởi nghiệp nông nghiệp rất nhiều khó khăn, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp rất “cô đơn” khi tìm kiếm thị trường”.

Người khởi nghiệp nông nghiệp mong muốn được hỗ trợ về “đầu ra” sản phẩm để yên tâm sản xuất. Ảnh: Bá Hoạt


Tương tự, quá trình khởi nghiệp của Phạm Thị Kiều Oanh, ở quận Đống Đa, Hà Nội cũng nhiều gập ghềnh. Cơ duyên đến với gạo ruộng Rươi của Oanh bắt đầu từ việc biết đây là hạt gạo tốt cho người bệnh tiểu đường nên chị dấn thân. Tìm về vùng nguyên liệu (vùng sinh thái ruộng Rươi) ở Hải Phòng tìm hiểu, Oanh cho xây dựng dự án sản xuất gạo trên diện tích hơn 32ha. Sau bao vất vả, hạt gạo hữu cơ đã được đưa ra thị trường bằng cách biếu, tặng để thu hút khách. Thời gian đầu chưa có lãi, nhưng đến nay việc sản xuất đã dần ổn định, song chủ nhân của nó vẫn loay hoay tìm “đầu ra” cho sản phẩm.

Dù “vạn sự khởi đầu nan”, nhưng Minh Nhật và Kiều Oanh còn may mắn trong quá trình khởi nghiệp. Thực tế, người nào khởi nghiệp cũng rất lo lắng và chấp nhận rủi ro cao vì sản xuất nông nghiệp lệ thuộc rất nhiều vào thời tiết và đa số họ vẫn phải “đơn thương độc mã”, từ quy hoạch, sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Một khó khăn nữa đối với doanh nghiệp là tình trạng thiếu kỹ thuật, kiến thức về trồng trọt, tính toán kinh tế, tìm kiếm phát triển thị trường... khiến họ nhanh chóng từ ông bà chủ thành “trắng tay”. Câu chuyện của thanh niên nông dân Lưu Văn Toàn (thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên) là một ví dụ. Anh Toàn cho biết: "Sau khi đi học hỏi nhiều nơi, tôi khởi nghiệp bằng nghề trồng rau mầm nhưng rau không chiều lòng người, nay hỏng, mai hư. Buồn nhất là, sau khi ký hợp đồng với khách và đã bỏ ra hơn 40 triệu đồng mua hạt giống, công cụ sản xuất... nhưng đối tác lại tự ý bỏ hợp đồng, khiến tôi phải “ôm” hàng nghìn khay rau mầm đến lứa thu hoạch bất lực tìm đường tiêu thụ"!

Tại hội nghị tổng kết năm 2017 vừa qua, Bộ NN&PTNT đưa ra con số: Nông nghiệp chỉ chiếm 16% trong cơ cấu GDP, lao động chiếm trên 42%, nhưng người dân sống ở nông thôn đến 70%. Trong đó, doanh nghiệp nông nghiệp chiếm 1% số lượng doanh nghiệp cả nước... Tại hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, đây là bài toán đau đầu của các ngành, các cấp...

Giải pháp nào giúp thành công?

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nghị định này quy định một số ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó quy định rõ các chính sách ưu đãi và hỗ trợ, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai; hỗ trợ đặc biệt cho nghiên cứu, chuyển giao, áp dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường; hỗ trợ đầu tư nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản… Một điểm nhấn nữa, năm 2017 là năm đầu tiên Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội nghị Nông dân khởi nghiệp, tạo môi trường, điều kiện kết nối, giao lưu giữa nông dân, doanh nghiệp... trên cả nước, từ đó, giúp nông dân hoàn thiện những ý tưởng kinh doanh mới và tìm kiếm cơ hội đầu tư; ươm mầm thế hệ doanh nhân nông nghiệp trẻ trong thời kỳ hội nhập.

Để giúp các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp có độ thành công cao, hiện nay các cấp, bộ, ban, ngành đang tích cực vào cuộc, trong đó tập trung ứng dụng công nghệ cao; tạo điều kiện cho các mô hình trang trại kết hợp du lịch, đa canh theo chuỗi sản xuất; các mô hình chế biến tiêu thụ nông sản...

Bà Đinh Thị Tuyết Nhung, Phó ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam cho biết, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam xây dựng Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó khuyến khích, thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp dưới hình thức kinh tế hộ, hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp hoặc phát triển quy mô, loại hình sở hữu thông qua áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ tạo ra sản phẩm, dịch vụ có giá trị cao. Tại Hà Nội, UBND thành phố đã ban hành Công văn số 7144/VP-KT, đồng ý bổ sung danh mục quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao. Đây là cơ hội cho khởi nghiệp nông nghiệp về công nghệ vào sản xuất, gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể; thông tin về thị trường nông sản nhanh nhạy và chính xác...

Theo ông Trịnh Thế Khiết, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội, người khởi nghiệp nông nghiệp mong muốn các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa đến cơ chế “đầu ra” cho sản phẩm để họ yên tâm sản xuất làm giàu. Đây cũng là điều nhiều doanh nghiệp thường than khó.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quan trọng nhất là “đầu ra” cho sản phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.