Góc nhìn

Quan trọng là ý thức

Gia Khánh 02/11/2023 - 06:15

Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các nhà mạng viễn thông vừa sử dụng tên định danh để chống cuộc gọi mạo danh. Theo đó, tất cả số điện thoại của các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông gọi đến người dân đều hiển thị tên định danh “BO TTTT”.

Tương tự, cuộc gọi của doanh nghiệp viễn thông tới khách hàng cũng hiển thị tên định danh của nhà mạng, chẳng hạn như nhà mạng Vinaphone, nhà mạng Viettel…

Như vậy, các số điện thoại gọi đến xưng danh là đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông hay doanh nghiệp viễn thông nhưng không hiển thị tên định danh đều là số điện thoại giả mạo, có dấu hiệu lừa đảo. Khi nhận được cuộc gọi giả mạo, người dân không làm theo yêu cầu của đối tượng, thông báo ngay tới cơ quan chức năng hoặc tổng đài tiếp nhận thông tin cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo 156 hoặc 5656.

Việc Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo cấp tên định danh cho số điện thoại đường dây nóng của các đơn vị thuộc Bộ và nhà mạng viễn thông là giải pháp phòng, chống lừa đảo qua cuộc gọi mạo danh, đồng thời giúp người dân nâng cao cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn đối tượng lừa đảo thường sử dụng.

Thực tế, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các nhà mạng viễn thông cũng là đối tượng bị mạo danh thực hiện cuộc gọi lừa đảo. Mới nhất là lợi dụng việc cập nhật thông tin thuê bao điện thoại di động chính chủ, đối tượng lừa đảo đã mạo danh Bộ và nhà mạng dọa khóa thuê bao, rồi dụ dỗ người dân chuyển tiền vào tài khoản của chúng. Nhiều bộ, ngành khác như công an, kiểm sát, tòa án, ngân hàng, điện lực… cũng bị mạo danh để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.

Đáng tiếc là cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, hiện tượng này đang có xu hướng gia tăng và ngày càng phức tạp, gây bức xúc xã hội.

Rõ ràng, hiện tượng lừa đảo trên internet, qua mạng viễn thông không mới, đã được cảnh báo nhưng vẫn có người mắc bẫy, thậm chí có người bị lừa mất số tiền rất lớn. Dù không biết nguồn gốc số điện thoại nhưng nhiều người vẫn cứ tin và làm theo.

Điều đó cho thấy, cơ quan chức năng có thêm giải pháp phòng ngừa cuộc gọi mạo danh, lừa đảo nhưng quan trọng hơn chính mỗi người phải tự trang bị kiến thức, luôn cảnh giác trước những sự việc bất thường. Đơn giản như cơ quan chức năng không bao giờ làm việc với công dân qua điện thoại, mà phải mời đến trụ sở nếu cần, đặc biệt là không bao giờ yêu cầu người dân chuyển tiền. Tài khoản ngân hàng là bí mật cá nhân không được tiết lộ với người lạ, đặc biệt là người không nhìn thấy trực tiếp mà trao đổi qua điện thoại. Nhận được tin nhắn, cuộc gọi hay thư điện tử lạ, không mở và kích vào đường link gửi kèm vì rất có thể đó là mã độc đánh cắp dữ liệu hòng chiếm đoạt tài sản…

Những cảnh báo của cơ quan chức năng rất đơn giản, dễ nhớ nhưng vẫn có người mắc bẫy, vậy nên việc thông tin, tuyên truyền phải thường xuyên, liên tục, bằng nhiều hình thức. Ngay cả tên định danh cũng bị mạo danh nên các đơn vị nên mở thêm kênh tương tác với người dân, khách hàng để tiếp nhận thông tin, giúp người dân xác thực số điện thoại chuẩn.

Cùng với đó, cơ quan chức năng, đơn vị viễn thông thường xuyên cập nhật các hình thức lừa đảo mới và thông tin kịp thời, rộng rãi; tăng cường ứng dụng công nghệ nhằm ngăn chặn cuộc gọi, tin nhắn rác, lừa đảo; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm bị bắt giữ.

Nhà mạng có giải pháp tên định danh để phòng, chống cuộc gọi lừa đảo, nhưng việc ngăn chặn chỉ có thể triệt để khi người dân cùng nâng cao kiến thức, có ý thức chủ động cảnh giác, tích cực phối hợp cùng các cơ quan chức năng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan trọng là ý thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.