Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan trọng là phải khơi dậy được tinh thần sáng tạo

Bảo Khánh| 16/12/2021 13:53

(HNMCT) - Qua hai năm tổ chức, Tuần lễ Thiết kế Việt Nam (Vietnam Design Week) ngày càng khẳng định vị trí của mình và trở thành sân chơi bổ ích cho đội ngũ sáng tạo. Nhưng làm thế nào để các yếu tố văn hóa truyền thống ngày càng được phát huy trong đời sống đương đại, và các sản phẩm thiết kế sáng tạo giàu tính ứng dụng trong cuộc sống? Kiến trúc sư Lê Việt Hà - Chủ tịch Ashui.com, đồng Trưởng ban tổ chức Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2021 (Vietnam Design Week 2021) đã chia sẻ với bạn đọc Hànộimới Cuối tuần về vấn đề này.

- Thưa ông, điều gì đã khiến ông nảy ra ý tưởng về một chương trình như Tuần lễ Thiết kế Việt Nam?

- Ban đầu, chúng tôi có ý tưởng về một chiến dịch “Designed by Vietnam” nhằm thúc đẩy gia tăng giá trị sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam bằng năng lực trí tuệ - thiết kế, hướng tới xây dựng thương hiệu thiết kế Việt Nam trên thị trường quốc tế. Để thực hiện mục tiêu này, chúng ta cần một hoạt động nền tảng, một sân chơi kết nối các nhà thiết kế, Tuần lễ Thiết kế Việt Nam - Vietnam Design Week (VNDW) đã được khởi động lần đầu tiên năm 2020, và cuộc thi mang tên “Designed by Vietnam” là hoạt động “xương sống” của chương trình.

Qua hai lần tổ chức, VNDW đã thu được rất nhiều ý tưởng thiết kế khai thác đa dạng chất liệu văn hóa từ các làng nghề thủ công của Hà Nội, các sản phẩm phục vụ du lịch như quà tặng về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, rồi nghệ thuật công cộng góp phần mang đến vẻ đẹp và sức sống mới cho thành phố...

- Sau Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2021, ông đánh giá thế nào về khả năng phát triển của đội ngũ thiết kế sáng tạo ở Hà Nội?

- Những người làm thiết kế và sáng tạo có rất nhiều ý tưởng thú vị, nhưng đôi khi việc dung hòa giữa những ý tưởng mới mẻ, táo bạo của nghệ sĩ, các nhà thiết kế với những quy định của cơ quan quản lý nhà nước sao cho phù hợp khi đưa ra trước công chúng là điều không đơn giản. Vì thế, Tuần lễ Thiết kế Việt Nam được hình thành với mong muốn đi tìm một sân chơi chung, nơi có sự gặp gỡ công - tư, giúp các bên tham gia hiểu nhau hơn, bớt đi những thủ tục rườm rà, khuyến khích các nhà thiết kế sáng tạo tham gia tích cực. Mục tiêu cuối cùng là để người dân được hưởng thụ những giá trị ấy, qua đó góp phần nâng cao dân trí và phát triển kinh tế.

- Vậy tiềm năng của đội ngũ thiết kế sáng tạo của Hà Nội so với khu vực và thế giới thế nào, thưa ông?

- Hà Nội đang có cơ hội để thúc đẩy câu chuyện này vì hội tụ đủ các yếu tố “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”, khi Thủ đô được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế - coi như “có tên trên bản đồ sáng tạo thế giới”.

Vấn đề là Hà Nội cần có những chương trình hành động cụ thể để thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia hiện thực hóa các mục tiêu, cả về mặt xây dựng nội dung lẫn ý tưởng và các hoạt động. Hai năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các hoạt động gặp khá nhiều khó khăn. Nhưng nếu thành phố tiếp tục thúc đẩy tinh thần sáng tạo, cầu thị thì sẽ vẫn thu hút được nhiều người tham gia, dù là khối tư nhân hay các nghệ sĩ độc lập - những người sẵn sàng chung tay góp sức về mặt ý tưởng.

Hà Nội luôn có một sức hấp dẫn lớn với bất kỳ ai muốn thử nghiệm hay chia sẻ các ý tưởng sáng tạo. Hà Nội không bao giờ thiếu ý tưởng và chất liệu. Bất kỳ ai mang dòng máu Việt cũng mong muốn đóng góp công sức, tâm huyết để thành phố có nhiều ý tưởng sáng tạo độc đáo dựa trên chất liệu sẵn có, quan trọng là chúng ta phải khơi dậy được tinh thần đó.

- Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2021 với chủ đề “Đánh thức truyền thống” đã thu hút đông đảo sự tham gia của giới trẻ. Theo ông, cần phải làm gì để khuyến khích lực lượng này đến gần hơn nữa với văn hóa truyền thống?

- Thế hệ trẻ hiện nay rất năng động và chủ động, có khả năng tiếp cận và trau dồi tri thức tốt. Tôi tin tưởng hoàn toàn vào giới trẻ bởi chỉ có cách đặt niềm tin vào họ mới có thể xây dựng được nền tảng vững chắc cho sự phát triển sau này, dù ở bất kỳ lĩnh vực nào, đặc biệt là lĩnh vực thiết kế sáng tạo.

Thực ra, Ban tổ chức hướng tới kế hoạch dài hơi hơn, không chỉ là khai thác các giá trị văn hóa truyền thống mà còn là phát triển bền vững. Mỗi năm Tuần lễ Thiết kế Việt Nam sẽ có một chủ đề khác nhau để người tham gia tập trung đưa ra những xu hướng, giải pháp liên quan đến việc phát triển bền vững. Năm đầu tiên, chúng tôi đưa ra chủ đề “Tái sinh”, khai thác cái sẵn có để không lãng phí các nguyên vật liệu và các chất liệu. Chủ đề “Đánh thức truyền thống” năm nay cũng là một dạng tái sinh, nhưng ở góc độ văn hóa, phải làm sao đưa được các yếu tố liên quan đến truyền thống, văn hóa vào các sản phẩm đương đại với tính ứng dụng cao. Khi thế hệ tương lai sử dụng các sản phẩm mang yếu tố truyền thống có nghĩa là truyền thống được tiếp nối và duy trì. Đấy là cách để phát triển bền vững ở góc độ văn hóa. Trong những năm tới, Ban tổ chức sẽ vẫn xoay quanh chủ đề phát triển bền vững nhưng ở một khía cạnh khác để các nghệ sĩ, nhà thiết kế tư duy, tìm giải pháp và sáng tạo ra các sản phẩm phục vụ cho đời sống đương đại.

- Ông có đặt mục tiêu hiệu quả kinh tế cho các sản phẩm đương đại như vậy không?

- Trong các tiêu chí của chương trình, tiêu chí ứng dụng được đặt khá cao. Lâu nay, mọi người cứ nghĩ việc sáng tạo chỉ dừng ở ý tưởng và ít khả năng hiện thực hóa. Nhưng với Tuần lễ Thiết kế Việt Nam hay cuộc thi “Designed by Vietnam”, đó lại là yếu tố quan trọng nhất, bởi những thiết kế sáng tạo ấy phải có khả năng trở thành sản phẩm để thuyết phục được các thành viên giám khảo và người hướng dẫn (mentor) - những chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong việc biến các sản phẩm thiết kế thành sản phẩm tiêu dùng hằng ngày; đồng thời đưa các sản phẩm ấy ra cộng đồng để người dân kiểm chứng mức độ ứng dụng.

Đội ngũ mentor vô cùng quan trọng. Họ là những người thực chiến, lăn lộn cả về góc độ thiết kế lẫn thị trường nhiều năm và họ hiểu thiết kế đấy có tiềm năng hay không. Họ đảm nhận nhiệm vụ tư vấn cho thí sinh trong và sau cuộc thi để hiện thực hóa các ý tưởng ấy trên 5 lĩnh vực của chương trình gồm Thiết kế truyền thông, Thiết kế đồ nội thất, Thiết kế vật dụng và trang trí, Thiết kế trang phục, Thiết kế công cộng. Sau cuộc thi, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục kết nối với các thí sinh, giúp họ tìm kiếm các nhà sản xuất, nhà đầu tư để biến những ý tưởng đó thành sản phẩm có thể ra thị trường. Đó là mục tiêu mà Tuần lễ Thiết kế Việt Nam duy trì và hướng tới ở các năm sau nhằm tạo nên sân chơi chung và thu hút ngày càng nhiều những người làm sáng tạo, đặc biệt là thế hệ trẻ, không ngừng phát huy những tiềm năng, thế mạnh sẵn có trong lĩnh vực thiết kế của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Hy vọng rằng, các sản phẩm gắn dòng chữ “Designed by Vietnam” sẽ sớm hiện diện khắp nơi trên thế giới với sự ưa chuộng, trân trọng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan trọng là phải khơi dậy được tinh thần sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.