(HNM) - Tại hội thảo về dịch vụ 4G tổ chức cuối tuần qua, một số chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, việc triển khai 4G tại thị trường Việt Nam trong năm 2016 là cần thiết và không thể chậm hơn được nữa.
Các chuyên gia dẫn minh chứng, Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) đã công nhận tiêu chuẩn 4G LTE từ năm 2012, và thực tế nhiều nước đã triển khai. Trong khi, cuối năm 2015, Việt Nam mới cấp phép thử nghiệm, chậm hơn 4 năm. Xét ở góc độ thị trường, Việt Nam đã khai thác 3G được 6-7 năm. Theo quy luật, tốc độ mạng 3G đã đạt đến giới hạn, không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển các ứng dụng xây dựng chính phủ điện tử. Vì vậy, việc sử dụng dữ liệu di động cao hơn là tất yếu.
Việc Việt Nam chậm triển khai 4G so với thế giới giúp doanh nghiệp và người dùng tiết kiệm chi phí (khi giá thiết bị đã giảm, giá cước 4G bằng với cước 3G). Song, cũng chính những yếu tố này khiến tốc độ mạng băng rộng di động ở Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất thế giới.
Thị trường luôn đòi hỏi sử dụng dịch vụ có chất lượng cao hơn; đặc biệt là các dịch vụ, ứng dụng liên quan đến internet, khi mà thế giới đang ở trong kỷ nguyên của internet vạn vật, với sự gắn bó của các công cụ kết nối phát triển mạnh mẽ. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh các bộ, ngành, tỉnh, thành phố đang xây dựng mô hình chính quyền điện tử, thành phố thông minh. Tuy nhiên, để đầu tư 4G, doanh nghiệp cũng phải trả lời được câu hỏi: Nhu cầu của người sử dụng tại Việt Nam đến đâu? Khi mà có một lượng không nhỏ khách hàng dùng dữ liệu di động chủ yếu là lướt web, tra cứu thông tin, đọc báo…
Với các phương tiện vận tải, được biết hầu hết mới chỉ sử dụng thiết bị giám sát hành trình GPS trên nền mạng 2G và 2,5G (ước khoảng 300.000 xe ô tô vận tải hành khách); tại Hà Nội, số ít tuyến xe buýt thí điểm gắn camera giám sát. Còn trong việc cung cấp các dịch vụ công, ngay tại Hà Nội cũng tồn tại thực tế là tỷ lệ người dân sử dụng trực tuyến chưa cao… Tất nhiên, những thông tin này chưa đầy đủ, song qua đó có thể thấy, nhu cầu sử dụng thực tế của thị trường như thế nào là một vấn đề quan trọng. Do vậy, dường như các nhà mạng cũng chưa mặn mà với việc triển khai dịch vụ 4G… và lãnh đạo một nhà mạng còn nhận định phải đến năm 2018, 4G mới phát triển mạnh tại Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.