Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý xe máy điện: Đang “thả gà ra đuổi”!

Dạ Khánh| 23/06/2014 07:29

(HNM) - Câu chuyện về Thông tư 15 của Bộ Công an quy định xe máy điện phải đăng ký biển kiểm soát mới được phép lưu thông tiếp tục thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo người dân. Đăng ký xe máy điện để tăng cường quản lý là cần thiết nhằm kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, hạn chế việc gia tăng các vi phạm về TTATGT.


Vì đâu nên nỗi?

Không có điều kiện đưa đón con đi học, vì vậy trước khi con lên lớp 7, tháng 8-2013, vợ chồng chị Hồng Anh (phường Bồ Đề, quận Long Biên) quyết định đến cửa hàng bán xe trên phố Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng) mua cho con chiếc xe máy điện hiệu Momentum. Nghĩ đơn giản việc mua xe 2 bánh chạy điện như mua chiếc xe đạp, vì vậy vợ chồng chị không để ý để yêu cầu được cấp các loại giấy tờ: Hóa đơn bán hàng, phiếu kiểm tra chất lượng… mà chỉ quan tâm đến phiếu bảo hành xe. Con chạy xe đi học cả năm không sao, chỉ mới đây khi cô giáo nhắc nhở việc đi đăng ký xe máy điện cho con, chị Hồng Anh mới "ngớ" người ra…

Đăng ký xe máy điện là việc cần thiết nhằm bảo đảm TTATGT.Ảnh: Như Ý


Thông tư 15 quy định về đăng ký xe, trong đó có nội dung cấp đăng ký cho xe máy điện gây không ít ảnh hưởng đến thị trường xe chạy điện gần đây. Trong 3-4 năm qua thực sự là thời điểm phát triển nở rộ của xe chạy điện. Nhỏ gọn, dễ di chuyển, tiết kiệm nhiên liệu…, đây là những lý do khiến nhu cầu sử dụng xe chạy điện ngày càng tăng cao; đặc biệt với nhiều gia đình không có điều kiện đưa đón con đi học. Không chỉ có học sinh, cả cán bộ công chức cũng bảo nhau mua xe điện đi làm cho tiện ích… Tại Hà Nội, đi ra đường bất cứ nơi nào cũng có thể bắt gặp xe chạy điện trên phố.

Trước sự phát triển nở rộ của xe 2 bánh chạy điện, việc kiểm soát xe chạy điện trở nên bức thiết khi thị trường xuất hiện nhiều chủng loại xe 2 bánh chạy điện không rõ nguồn gốc và chưa được kiểm soát về chất lượng, an toàn kỹ thuật; trong khi đối tượng sử dụng chủ yếu là học sinh, sinh viên đi tốc độ cao, lạng lách, chở quá số người quy định, làm gia tăng các vi phạm về trật tự ATGT. Ngày 8-11-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 24 tăng cường các biện pháp quản lý đối với loại phương tiện này. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu: Bộ GTVT tổ chức việc đăng kiểm xe máy điện; rà soát, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia làm cơ sở cho việc quản lý chất lượng các loại xe 2 bánh chạy điện nhập khẩu và sản xuất, láp ráp trong nước. Bộ Công an thực hiện việc đăng ký xe máy điện; kiểm tra, nhắc nhở, xử lý các hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ đối với người tham gia giao thông bằng xe 2 bánh chạy điện…

Nói về việc xe máy điện phải đăng ký, phải nhắc lại là đây không phải quy định mới. Luật Giao thông đường bộ (có hiệu lực từ ngày 1-7-2009) đã có quy định này. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, quy định này đã không được triển khai trên thực tế. Chỉ đến khi thị trường xe chạy điện nở rộ gần đây, ta mới… chạy theo "đuổi bắt".

Gỡ khó bằng cách nào?

Trước Thông tư 15 của Bộ Công an, trong đó có quy định xe máy điện bắt buộc phải gắn biển kiểm soát (thời gian áp dụng từ ngày 1-6-2014) được thông tin rộng rãi trên báo chí, chị Hồng Anh mới biết. Cầm giấy bảo hành xe đến cơ quan công an xin đăng ký, chị "té ngửa" khi biết để được cấp biển số chủ xe cần phải có hàng loạt các loại giấy tờ theo quy định: Hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính, phiếu kiểm định chất lượng xe… Trường hợp không có đủ giấy tờ, chứng từ như chị Hồng Anh cũng đang là tình trạng chung của nhiều chủ sở hữu xe chạy điện hiện nay. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới sáng 12-6, Trung tá Đinh Thanh Thảo - Đội trưởng Đội Đăng ký quản lý xe (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) khẳng định: Đến nay vẫn chưa có bất kỳ chiếc xe máy điện nào được đăng ký. Thực trạng chung ở các điểm đăng ký xe của công an các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội lác đác chỉ có 3-5 trường hợp mang xe đến, rồi lại… mang về.

Đâu là vướng mắc trong việc thực hiện đăng ký biển số cho xe máy điện? Ông Lê Minh Thu - Tổ trưởng Tổ quản lý phương tiện Công an quận Nam Từ Liêm cho biết: Thứ nhất, hầu hết chủ phương tiện đều không có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định mà chỉ có sổ bảo hành, kể cả những trường hợp mới mua 1-2 năm trở lại đây. Thứ hai, hiện có nhiều xe đã bị cải biến nên khi người dân đem đến đăng ký, cơ quan chức năng rất khó đánh giá các thông số kỹ thuật (trọng lượng, kích cỡ, vận tốc) để xác định đây là xe máy điện hay xe đạp điện. Thứ ba, hiện nay việc thực hiện đăng ký xe máy điện đang áp dụng như xe máy, mức thu lệ phí cấp biển số cũng vậy (xe có giá trị trên 15 triệu đồng là 2 triệu đồng/biển số, dưới 15 triệu đồng là 500 nghìn đồng). Với mức phí này, người dân không thấy "thoải mái". Hiện, chúng tôi đang chờ hướng dẫn, chỉ đạo của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội giải quyết các vấn đề vướng mắc thực tế của người dân trong việc cấp biển số xe máy điện hiện nay. Trong khi đó, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, hiện phòng đang tập hợp các ý kiến của người dân, sau đó sẽ có ý kiến lên các cấp lãnh đạo nhằm tập trung xử lý và tạo điều kiện tốt nhất cho các chủ phương tiện.

Việc cấp đăng ký, biển số cho xe máy điện là cần thiết nhằm tăng cường kiểm soát phương tiện, bảo đảm TTATGT, giải quyết, xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến phương tiện cơ giới. Tuy nhiên, trước hàng loạt các vướng mắc hiện nay trong việc thực hiện quy định này, rất mong các cơ quan chức năng cần xem xét, đưa ra các giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân. Bởi khi đã đăng ký, tức là đã có sự quản lý, sẽ không còn hiện tượng "loạn" xe chạy điện trên thị trường như hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quản lý xe máy điện: Đang “thả gà ra đuổi”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.