(HNM) - Sau gần 4 năm thực hiện Quyết định số 619/2017/QĐ-TTg ngày 8-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, ngày càng có nhiều người dân được tuyên truyền phổ biến pháp luật và chủ động tham gia bàn bạc, quyết định những vấn đề có liên quan đến đời sống khu dân cư. Qua đó, đáp ứng tốt yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật.
Theo Bộ Tư pháp, số lượng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên toàn quốc năm sau luôn cao hơn năm trước, cho thấy quyết tâm của các địa phương quan tâm đến đời sống pháp lý, quyền tiếp cận thông tin của người dân. Một số tỉnh, thành phố có 100% xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: Bình Dương, Hà Nam, Cần Thơ, Đà Nẵng…
Đáng chú ý, tỉnh Bình Dương đã có nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về ý nghĩa, tác động của công tác xây dựng, đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật. Trên cơ sở đó, xác định cụ thể trách nhiệm của các đơn vị liên quan, UBND các cấp trong việc xây dựng xã, phường, thị trấn, bảo đảm việc đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho người dân gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Cụ thể, UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu, với những thủ tục hành chính liên quan đến đời sống hằng ngày của người dân: Đăng ký giấy khai sinh, khai tử, kết hôn, chứng thực…, công chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phải giải quyết nhanh chóng trong ngày, tránh quá hạn. Mọi chủ trương của chính quyền các cấp phải được công khai để người dân theo dõi, nắm bắt, giám sát việc thực hiện, tạo được sự đồng thuận.
Tại tỉnh Sóc Trăng, tiêu chí đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được đánh giá bằng 5 tiêu chí: Bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã; thực hiện dân chủ ở cơ sở; hòa giải ở cơ sở. Mỗi tiêu chí có các chỉ tiêu riêng, được đánh giá trên tổng điểm 100. Trên cơ sở kết quả tự chấm điểm của cấp xã, năm 2020, Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật cấp huyện đã thẩm tra, đánh giá toàn tỉnh có 105/109 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chiếm tỷ lệ 96,33%.
Còn tại Hà Nội, các xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật dựa trên các tiêu chí điểm: Thi hành Hiến pháp, pháp luật; thực hiện thủ tục hành chính; thái độ, tinh thần trách nhiệm của công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính; phổ biến, giáo dục pháp luật...
Bà Bùi Thị Thoan, phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình) cho biết, thời gian qua, quận Ba Đình đã đẩy mạnh quán triệt, truyền thông nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về chủ trương xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Quá trình triển khai, tuyên truyền phổ biến pháp luật, hòa giải cơ sở... để nâng cao điều kiện tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở được đẩy mạnh. Trên cơ sở nắm quyền của mình, người dân đã có nhiều đóng góp về cải cách hành chính, trật tự đô thị, môi trường tại các hội nghị tiếp xúc cử tri. Nhiều nội dung đã được quan tâm giải quyết.
Còn tại quận Cầu Giấy, đã sử dụng mạng xã hội để mở rộng, kết nối thông tin giữa các cơ quan chính quyền với người dân. Chỉ sau 1 giờ, khi người dân đưa thông tin lên trang tương tác “Vì quận Cầu Giấy xanh - sạch - đẹp”, rác thải nhựa tập kết bừa bãi trên tuyến đường Nguyễn Chánh, phường Trung Hòa; hay đường giao thông bị sụt lún, tạo thành hố sâu trước cổng Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng Hậu đã được lực lượng chức năng xử lý kịp thời…
Song, bên cạnh đó vẫn còn một số tỉnh có tỷ lệ cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thấp như: Kon Tum, Sơn La. Có đơn vị làm rất chặt, bài bản nhưng cũng có đơn vị đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật hình thức, chưa thuyết phục… Thực tế này cho thấy, rất cần làm rõ cách tính điểm, tình huống đặc thù, giải pháp đặc thù giúp những đơn vị xa trung tâm, đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng sâu, vùng miền núi có thể đạt chuẩn pháp luật. Ngoài ra, Bộ Tư pháp, cơ quan tư pháp các tỉnh, thành phố cần tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, giúp triển khai thực hiện tốt hơn công tác này trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.