Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học, thạc sĩ.
Chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học tham gia thực hiện Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” theo Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21-9-2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Đây là cơ sở để các cơ sở giáo dục đại học xây dựng, rà soát, cập nhật chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo trước khi tuyển sinh.
Toàn bộ nội dung chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn tại đây: chuan-chuong-trinh-dao-tao-vi-mach-ban-dan.pdf
Chuẩn chương trình đào tạo bao gồm các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn đầu ra, chuẩn đầu vào, khối lượng học tập, cấu trúc và nội dung, phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả, đội ngũ giảng viên và nhân lực hỗ trợ, cơ sở vật chất, công nghệ và học liệu.
Quá trình xây dựng Chuẩn chương trình đào tạo có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học về vi mạch bán dẫn; tham khảo ý kiến rộng rãi của các cơ sở đào tạo, người sử dụng lao động và cựu người học đã tốt nghiệp các chương trình đào tạo có liên quan đến vi mạch bán dẫn; tham khảo các yêu cầu về chương trình đào tạo tương ứng của các quốc gia, vùng lãnh thổ có nền kinh tế phát triển.
Chuẩn chương trình đào tạo là cơ sở để các cơ sở đào tạo xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn, . cũng là nền tảng để thiết kế và triển khai các chương trình đào tạo ngành chính - ngành phụ, song bằng hoặc liên ngành về vi mạch bán dẫn.
Căn cứ vào định hướng đào tạo và điều kiện thực tiễn, các cơ sở đào tạo có thể xây dựng chương trình giảng dạy một phần hoặc toàn bộ bằng tiếng Anh nhằm nâng cao khả năng học ngoại ngữ cho người học và từng bước tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế.
Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn phải đáp ứng các yêu cầu về chuẩn đầu ra của Khung trình độ quốc gia Việt Nam, chuẩn đầu ra của Chuẩn chương trình đào tạo của khối ngành/lĩnh vực/ngành đào tạo tương ứng. Cơ sở đào tạo sẽ xây dựng các chuẩn đầu ra với mức độ năng lực phù hợp với đặc thù của từng chương trình đào tạo, nhưng phải đáp ứng tối thiểu theo Thang trình độ năng lực Bloom tương ứng với từng trình độ đào tạo (cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ).
Cấu trúc của chương trình đào tạo bao gồm các thành phần chính: Giáo dục đại cương, giáo dục chuyên nghiệp, khối kiến thức bổ trợ và khối học phần tốt nghiệp.
Phương pháp giảng dạy được thiết kế theo cách tiếp cận lấy người học làm trung tâm, xem người học là chủ thể chính của quá trình đào tạo. Việc đánh giá kết quả học tập không chỉ tập trung vào kiến thức lý thuyết mà còn bao gồm năng lực thực hành, khả năng giải quyết vấn đề thực tế, kỹ năng và thái độ của người học, nhằm phản ánh đầy đủ năng lực toàn diện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.