(HNM) - Năm 1802, vua Gia Long quyết định chuyển kinh đô của Đại Việt vào Huế và hạ cấp Thăng Long chỉ còn là Bắc Thành. Đến đời vua Tự Đức (1847-1883), kinh đô xưa trở thành tỉnh Hà Nội.
Đường phố Hà Nội xưa.Ảnh tư liệu |
Tuy nhiên, vùng lõi của tỉnh Hà Nội (tương ứng với quận Hoàn Kiếm ngày nay) vẫn là đô thị sầm uất nhất miền Bắc nhưng chỉ vài đường phố tập trung đông đúc Hoa kiều sinh sống như: Hàng Ngang, Lãn Ông, Mã Mây được lát gạch, còn lại hầu hết vẫn là đường đất và đều không có vỉa hè.
Sau khi chiếm được thành Hà Nội năm 1882 và chiếm trọn Hà Nội năm 1883, thực dân Pháp thành lập bộ máy cai trị Hà Nội, bổ nhiệm Bonnal làm công sứ. Phố Hà Nội khi đó được tác giả - bác sĩ Hocquard, người theo chân đội quân viễn chinh Pháp đánh chiếm thuộc địa mô tả trong cuốn "Một chiến dịch ở Bắc Kỳ" (Campagne du Tonkin - xuất bản ở Paris 1892): "Phố không có vỉa hè, không có rãnh thoát nước nên sau một trận mưa, mặt đường nhão nhoét. Tại khu vực buôn bán "36 phố phường", người buôn kê sạp lấn ra đường, họ còn che phên chống mưa nắng chắn hết cả lối đi. Mỗi khi có xe ngựa đi qua, người đi bộ phải dạt sang hai bên, đứng dưới bùn lõng bõng".
Công sứ Bonnal đã đưa ra chủ trương xây dựng một thành phố Hà Nội mới bên cạnh khu vực "36 phố phường". Đầu tiên ông ta cho quy hoạch khu vực quanh Hồ Gươm, vốn quá nhiều nhà dân làm sát mép hồ, làm đường và vỉa hè quanh hồ, mở rộng đường Hàng Khảm (nay là Tràng Tiền - Hàng Khay - Tràng Thi). Đồng thời chuẩn bị xây khu phố Pháp ở phía đông và nam Hồ Gươm.
Vì Hàng Khảm là đường chiến lược nối từ cảng (nằm trong khu Đồn Thủy - nay tương ứng từ Bệnh viện Hữu Nghị kéo lên đến Bảo tàng Lịch sử) vào trong thành nên lòng đường rộng rãi được trải đá răm, hai bên là vỉa hè. Cuối năm 1885, phố Hàng Khảm đã hoàn thành. Vỉa hè được lát gạch và trồng phượng để giảm bớt nóng bức vào mùa hè. Và vỉa hè phố Hàng Khảm là vỉa hè đầu tiên của Hà Nội theo kiểu của đô thị phương Tây. Năm 1888, Hà Nội trở thành thành phố nhượng địa (thành phố nằm ở nước ngoài thuộc nước Pháp) vì thế mọi hoạt động phải theo luật của nước Pháp (không theo luật lệ của Triều Nguyễn) càng thuận tiện cho chính quyền tiếp tục mở mang, phát triển đô thị.
Cuối năm 1892, đường vòng quanh Hồ Gươm hoàn thành cùng với vỉa hè. Song song với cải tạo khu vực Hồ Gươm, các phố mới ở phía đông hồ theo kiến trúc Pháp lần lượt ra đời (nay là: Ngô Quyền, Lê Lai, Lê Thạch, Lê Phụng Hiểu…), các phố đều có vỉa hè rộng rãi và chính quyền thành phố cho trồng cây lấy bóng mát cũng là tạo kiến trúc phong cảnh. Các phố mới ở phía nam Hồ Gươm cũng đã hình thành.
Công báo ngày 21-4-1890 đăng nghị định về quản lý đô thị của Thống sứ Bắc Kỳ trong đó Điều 1 ghi rõ: "Những phố hiện có và sẽ được tạo nên có chiều rộng lòng đường và vỉa hè được chỉ định". Kèm theo là phụ lục gồm các phố đã có và các phố sẽ mở. Với khu vực "36 phố phường" phải cải tạo lại thì vỉa hè hẹp nhất cũng phải 3m, một số phố sẽ là 4m. Với các phố ở phía đông và phía nam Hồ Gươm đã xây dựng hoặc sẽ xây dựng (nay là các phố: Ngô Quyền, Lê Phụng Hiểu, Hàng Bài, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo...) vỉa hè tối thiểu phải rộng 5m và tối đa là 7,5m. Dù công việc cải tạo khu vực "36 phố phường" đã tiến hành nhưng rất chậm chạp vì điều kiện kinh tế trong dân còn hạn chế.
Trong cuốn "Xứ Đông Pháp và những kỷ niệm" (L'Indochine Francaise souvenirs) của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (nhiệm kỳ 1897-1902), ông ta viết: "Khi tôi đến Hà Nội vào tháng 3-1897 thì khu phố của người An Nam với những cửa hàng lấn ra đến tận đường, phố xá không có vỉa hè và chen chúc những người và người. Đó chính là những thứ đích thực của Hà Nội". Cùng với việc tiếp tục xây khu phố mới mang dáng dấp như Paris, Paul Doumer đã ban hành thêm các quyết định cải tạo khu vực "36 phố phường". Chính quyền cho làm cống thoát nước, cấm không được cất nhà lá, các hộ xây mới phải thẳng hàng theo quy định, phải chừa đất làm vỉa hè, nhà dân buộc phải làm cống thoát nước từ trong nhà ra…
Trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Paul Doumer ở Đông Dương thì năm 1897, chiều dài đường có vỉa hè ở khu vực "36 phố phường" là 45.500m, tuy nhiên nhiều đường và hè vẫn là đất. Năm 1902, số ki lô mét đường đã tăng thêm 22.121m. Còn tại các phố phía nam Hồ Gươm (nay là Trần Hưng Ðạo, Hàng Bài, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Bà Triệu,...) từ năm 1897 đến 1901 chính quyền tiếp tục cho lát vỉa hè được khoảng 5.000m. Trong kế hoạch cải tạo, hội đồng thành phố đã biểu quyết lấy từ ngân sách để lát vỉa hè ở những phố lớn khu trung tâm.
Vỉa hè được lát bằng đá hình vuông khổ 30cm x 30cm, dày 3cm, trên mặt khía chéo để tránh trơn trượt cho người đi đường trong mùa mưa. Mép hè là đá đen chôn sâu làm bờ cho rãnh thoát nước, đồng thời cũng làm vật chắn phòng xe ngựa lao lên hè gây thương tích cho người đi bộ. Trên vỉa hè bao quanh nhà Godard (nay là Trung tâm thương mại Tràng Tiền), trước lối vào có dòng chữ Pháp "Khu vực cấm để xe đạp" bằng đá trắng gắn chìm.
Trong "Quy chế lục lộ" do Thống sứ Bắc Kỳ ban hành ngày 21-9-1891 thì: "Vỉa hè dành cho người đi bộ và các hoạt động thương mại, là khoảng đệm từ các công trình đến đường giao thông để bảo đảm an toàn tính mạng cho người đi đường, cho các gia đình sống mặt tiền. Vỉa hè còn để trồng cây lấy bóng mát, trồng cột đèn chiếu sáng. Vỉa hè làm duyên cho phố phường vì thế phải quản lý nghiêm ngặt". "Quy chế lục lộ" quy định cụ thể và rất chi tiết đối với nhà mặt tiền để hài hòa với vỉa hè, tạo mỹ quan kiến trúc đô thị. Ví dụ: "Vỉa hè rộng 3m thì bậc cửa ra vào chỉ được phép cao 10cm, vỉa hè rộng 5m thì bậc cửa là 15cm và vỉa hè rộng 7,5m thì bậc cửa cao 20cm...".
Bên cạnh đó là quy định về chiều cao, cửa sổ, ban công..., "cấm tuyệt đối cánh cửa nhà dân mở ra bên ngoài vì có thể gây thương tích cho người đang đi bộ trên hè". Quy chế cũng quy định: "Tất cả chủ nhà mặt phố, người thuê phải có trách nhiệm dọn vệ sinh hè phố trước cửa nhà, khơi thông rãnh thoát nước, nếu không thực hiện sẽ bị phạt theo các điều của Bộ luật Hình sự nước Pháp". Sở dĩ quy chế bắt buộc chủ hay người thuê phải dọn vệ sinh hè phố trước cửa nhà vì "Chủ nhà không mất tiền xây dựng lại được sử dụng vỉa hè công cộng nhiều nhất". Để các quy định đi vào đời sống, Tòa đốc lý lập đội thanh tra lục lộ hằng ngày đi kiểm tra, nếu cá nhân, cơ quan, tổ chức vi phạm thanh tra sẽ phạt, chây ỳ bị truy tố đồng thời tăng mức phạt nên không ai dám "cùn". Chính quyền còn lập đội "cảnh sát văn minh", chỉ cần đổ một chậu nước sạch ra vỉa hè cũng bị phạt.
Vì vỉa hè quanh năm có người qua lại nên xuống cấp hay hư hại là điều đương nhiên nhưng hội đồng thành phố lại không đồng ý lấy ngân sách để sửa chữa vì thế chính quyền thành phố đã chủ trương "mỡ nó rán nó". Ngày 20-12-1889, Đốc lý Landes đã ban hành một nghị định cho thuê vỉa hè ở phố có vỉa hè rộng từ 5m trở lên (không có nhà dân) để bán hàng ăn sáng hay cà phê với giá 40 xu/m2/năm. Số tiền thu được đưa vào quỹ bảo trì hè phố. Đầu thế kỷ XX, khi các khách sạn hạng sang xuất hiện ngày càng nhiều quanh khu vực Hồ Gươm và các phố lớn thì chủ khách sạn đã thuê vỉa hè mở quán cà phê dọc theo mái hiên. Cùng với cho thuê vỉa hè, một nguồn thu khác là đánh thuế tất cả những thứ gì nhô ra vỉa hè công cộng như: Ban công, ô văng, biển quảng cáo... mức thuế tính theo mét vuông và thu theo năm. Nhờ quỹ đó và các quy định nên vỉa hè các phố quanh năm sạch sẽ và gọn gàng làm cho thành phố văn minh hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.