Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý trật tự đô thị: Còn chồng chéo, thiếu đồng bộ

Đà Đông| 01/10/2013 06:06

(HNM) - Theo đánh giá từ chính các cơ quan quản lý, kết quả đạt được trong quản lý trật tự đô thị thiếu bền vững do thiếu sự đồng bộ trong thực hiện.

Bên cạnh những kết quả Hà Nội đã đạt được sau một tháng đợt ra quân cao điểm bảo đảm TTĐT, TTGT, VSMT và cảnh quan đô thị trên địa bàn, Ban chỉ đạo 197 thành phố cũng chỉ ra rất nhiều hạn chế cần tập trung khắc phục. Đó là tình trạng lấn chiếm lòng đường, hè phố để trông giữ phương tiện, kinh doanh buôn bán vẫn tái diễn; hiện tượng họp chợ cóc không đúng nơi quy định đã và đang tồn tại, ảnh hưởng đến nếp sống văn minh và mỹ quan thành phố. Đáng chú ý, tại các cổng bến xe, nhà ga, bệnh viện vẫn còn cảnh xe taxi, xe ôm dừng đỗ, đón trả khách sai quy định. Dù ùn tắc giao thông đã giảm nhiều so với cùng kỳ song vào giờ cao điểm vẫn thường xảy ra tình trạng ùn ứ tại một số tuyến, nút giao thông. Mặt khác, vẫn còn một số đơn vị, cá nhân chưa phát huy tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, TTĐT.

Ảnh minh họa.


Có điểm đáng lưu ý, những hạn chế trên đã diễn ra từ lâu và chưa được xử lý triệt để. Đơn cử như việc đón, dừng đỗ trả khách không đúng nơi quy định, chẳng đâu xa, ngay tại đầu cầu Vĩnh Tuy phía nội thành Hà Nội, vào các giờ cao điểm xe khách liên tỉnh về bến lúc nào cũng có dăm, ba người lái xe ôm đỗ xe chờ đón khách ngay trên cầu. Việc xử lý chợ cóc, chợ tạm chẳng khác gì "ném đá ao bèo" do chưa tìm được biện pháp hữu hiệu.

Điều khiến người dân quan tâm là vì sao những hạn chế trong quản lý đô thị đã được chỉ ra song kết quả thực hiện lại hạn chế? Trước tiên, có thể thấy là việc thực thi pháp luật chưa nghiêm. Xin lấy một ví dụ nhỏ trong quản lý vỉa hè hiện nay. Tại Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội quy định hè phố được sử dụng tạm thời để kinh doanh buôn bán phải bảo đảm các yêu cầu như có chiều rộng hè phố còn lại dành cho người đi bộ tối thiểu là 1,5m. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này dường như bị "phớt lờ", nên vỉa hè đang được tận dụng tối đa để bán hàng, để xe. Từ thực trạng vỉa hè ngổn ngang, lộn xộn như hiện nay, có ý kiến cho rằng nếu không được chính quyền địa phương "bật đèn xanh", người dân khó mà "ngang nhiên" lấn chiếm vỉa hè như vậy.

Tiếp đến là sự chồng chéo trong phân cấp quản lý. Theo quy định, UBND các quận, huyện được giao quản lý, đầu tư và duy tu, khai thác hè phố đã được phân cấp quản lý và cấp phép sử dụng tạm thời hè phố để trông giữ ô tô, xe đạp, xe máy, vật liệu xây dựng; sử dụng hè phố vào việc cưới, tang, kinh doanh bán hàng ăn uống theo giờ quy định. Còn tại các tuyến phố do Sở Giao thông - Vận tải quản lý, việc cấp phép này sẽ do Sở thực hiện. Chính vì vậy, đang diễn ra tình trạng cùng một địa bàn nhưng cơ quan cấp phép quản lý kinh doanh khác nhau và do thiếu sự liên thông giữa các cơ quan chủ quản nên đôi khi xảy ra những trường hợp tréo ngoe như vỉa hè trong các khu phố trung tâm lại được cấp phép cho kinh doanh dịch vụ sửa chữa, buôn bán phụ tùng ô tô nên thường xuyên gây ùn tắc.

Hay như việc xử lý "rác trời", theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục, tại địa bàn quận Đống Đa hiện có đến 50% các loại dây cáp quang treo trên cột không còn sử dụng nhưng chưa được cắt bỏ, để giải quyết rất cần sự vào cuộc của chính quyền sở tại. Nhưng, khi trao đổi với PV Hànộimới về nội dung này, một lãnh đạo của quận Đống Đa cho biết, việc dỡ bỏ dây cáp không đơn giản, bởi lâu nay các loại dây thông tin vẫn đang treo mắc chung trên cột điện, nhưng để loại bỏ, chính quyền địa phương không thể tự làm mà cần sự phối hợp của các cơ quan chức năng. Ngay cả việc bó gọn các loại dây để bảo đảm mỹ quan đô thị và an toàn cho người dân cũng cần sự phối hợp của chính quyền và các cơ quan có liên quan.

Quản lý TTĐT tại một thành phố lớn như Hà Nội không phải là công việc đơn giản. Trước mắt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi yêu cầu các cấp, các ngành tập trung khắc phục những hạn chế, thực hiện đồng bộ các giải pháp để thành phố "sáng - xanh - sạch đẹp". Trong đó, đối với công tác quản lý TTĐT, chính quyền các địa phương cần tập trung giải tỏa các chợ xanh, chợ cóc, chợ tạm; các vi phạm lấn chiếm vỉa hè, xử lý nghiêm các vi phạm về cảnh quan và môi trường. Về lâu dài, rất cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp chính quyền, đặc biệt là chính quyền cơ sở và ý thức của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý trật tự đô thị: Còn chồng chéo, thiếu đồng bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.