Góc nhìn

Quản lý tốt là được

Vũ Ngân 04/11/2023 - 08:32

Cuối tuần qua, truyền thông đưa tin về kế hoạch nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 của học sinh cả nước. Số ngày nghỉ nhìn chung là khá dài, thậm chí học sinh ở thành phố Hồ Chí Minh được nghỉ tới 15 - 16 ngày.

Tin được nhiều người quan tâm. Nhiều người thể hiện cảm xúc trên các group dành cho phụ huynh. Đa số phấn khởi, nhất là những người dự định Tết này cho cả gia đình về quê xa. Tuy nhiên, không thiếu người nghĩ đến việc chăm sóc con trong ít ngày con vẫn còn được nghỉ học mà bố mẹ đã phải đi làm.

Một phụ huynh ở Hà Nội chia sẻ trong nhóm rằng “em lo lắm, cháu ở nhà lại cắm đầu vào điện thoại đến mụ mị cả người mất thôi”. Chủ đề này nhanh chóng được phụ huynh chia sẻ, cho thấy đó là nỗi lo thường trực của đa số chứ không chỉ bà mẹ nói trên dù vấn đề sử dụng điện thoại thông minh của trẻ em đã được thảo luận từ lâu.

Giới trẻ, điện thoại thông minh và hệ lụy từ đó, đây là vấn đề quan trọng chứ không phải việc nhỏ, “chỉ là chiếc điện thoại mà thôi” như có người thốt ra trong cuộc thảo luận nhóm. Trong thực tế, đã có phụ huynh đề nghị con mình không duy trì mối quan hệ thân cận với bạn A, bạn B chỉ vì các bạn này được bố mẹ cho mang điện thoại tới trường và thường xuyên truy cập mạng xã hội trong giờ ra chơi. Có học sinh trung học cơ sở nói rằng bạn của mình “có 4G và các bạn ý có khi còn lén lên mạng trong giờ học”...

Học sinh đối diện với khả năng “nghiện” điện thoại nếu chúng được người lớn “thả rông”, và theo các chuyên gia, việc “cai nghiện” rất khó đạt hiệu quả nếu quá trình này không bắt đầu trước độ tuổi trung học cơ sở. Lợi ích của việc xa rời điện thoại khi học sinh đến trường được giới chuyên gia mô tả là tương đương với việc trẻ học thêm vài tuần/năm học, hiệu quả học tập tăng lên và học sinh cũng có hứng thú hơn với các hoạt động thể chất trong giờ nghỉ.

Hơn nữa, khi không "lăm lăm" điện thoại trên tay, trẻ sẽ hạn chế được khả năng bị bắt nạt hoặc sa vào những mối quan hệ không phù hợp. Có lẽ vì vậy mà trên thế giới, tại không ít quốc gia như Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, Đức, Australia... hoặc từng địa phương tại đó đã có lệnh cấm học sinh được sử dụng điện thoại ở trường, trừ trường hợp đặc biệt đã được quy định rõ.

Đó không chỉ là câu chuyện của phụ huynh và thầy cô giáo, trong gia đình và khi trẻ tới trường, mà còn là trách nhiệm quan tâm của xã hội. Tại Việt Nam, theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, “học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép".

Trong thực tế, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư này, cho đến năm 2023 vẫn tồn tại câu hỏi liên quan tới việc sử dụng điện thoại của trẻ. Một số giáo viên đồng tình với “lệnh cấm”, mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn cụ thể hơn về những trường hợp đặc biệt mà học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học. Một số khác ủng hộ việc trẻ dùng điện thoại và mang điện thoại tới trường, lý do đơn giản là trong thời đại công nghệ số và toàn cầu hóa, điện thoại thông minh giúp trẻ tiếp cận tri thức, nâng cao hiểu biết về công nghệ cũng như thu được nhiều lợi ích khác, “chỉ cần quản lý tốt là được”.

“Quản lý tốt”, đây là việc phụ thuộc trước hết vào nhận thức của phụ huynh. Trong thực tế, người làm cha mẹ nhiều khi thể hiện sự mâu thuẫn, hoặc không kiên định. Một mặt, người lớn không muốn trẻ “xem ké” điện thoại của bạn khi tới trường, mặt khác lại cam tâm biến chiếc điện thoại thành một món quà hoặc công cụ dỗ dành trẻ nhỏ. Tôi thường gặp một đôi vợ chồng trẻ mang theo máy tính vào quán cà phê vào đầu giờ sáng. Họ dẫn theo một cháu nhỏ, có lẽ tuổi mẫu giáo lớn, “thả” cho cháu chiếc điện thoại đã mở sẵn chương trình thiếu nhi rồi làm việc của mình. Bé gái ăn, uống, xem, “ba trong một” cho tới khi lũn cũn theo mẹ tới lớp học ở gần đó...

Có nhiều ví dụ trong cuộc sống cho thấy mối lợi cũng như tác hại từ việc trẻ dùng điện thoại thông minh. Lợi hay hại, kết quả thực tế phụ thuộc đầu tiên vào trách nhiệm của người lớn trong gia đình chứ không phải ai khác. Thay vì hỏi, tìm câu trả lời ở đâu đó hoặc tỏ ra bất lực, hãy cố gắng quan tâm nhiều hơn tới trẻ nhỏ trong gia đình và giúp chúng sử dụng điện thoại hợp lý, hữu ích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý tốt là được

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.