Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho rằng, đẩy mạnh giáo dục từ xa chính là mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục, cơ hội được học của người dân.
Ngày 1-11, Trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Vai trò của giáo dục mở trong xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam”.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, Việt Nam đang đứng trước cuộc cạnh tranh khốc liệt về nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh giáo dục mở, giáo dục từ xa chính là mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục, cơ hội được học của người dân. Tuy nhiên, để thực hiện nội dung này, ngành Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục nghiên cứu nhiều vấn đề.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị các cơ sở đào tạo đại học, trong đó có Trường Đại học Mở Hà Nội chủ động nghiên cứu, khẳng định vai trò là trung tâm xây dựng và nghiên cứu phát triển công nghệ đào tạo mở và từ xa; phát triển học liệu mở và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phục vụ việc học tập suốt đời.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội, trong bối cảnh kinh tế xã hội phát triển, việc thúc đẩy tiếp cận giáo dục là nhiệm vụ quan trọng, không chỉ giúp người dân được học tập, làm việc bình đẳng, mà còn góp phần giảm khoảng cách giàu - nghèo, mang lại cơ hội hòa nhập và thực hiện quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Việc đẩy mạnh giáo dục mở giúp xóa khoảng cách địa lý, thời gian, không gian, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân được học tập, có cơ hội để phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cá nhân, qua đó đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với chất lượng nguồn nhân lực.
Thống nhất mục đích của giáo dục mở là mở rộng sự tiếp cận, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân, tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà giáo đã thảo luận, chia sẻ những giải pháp để thúc đẩy giáo dục mở. Đơn cử như việc cần xây dựng, ban hành các chính sách ưu tiên trong việc rút ngắn các khoảng cách giữa các vùng miền, giữa các tầng lớp dân cư...
Ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo còn tập trung thảo luận, phân tích mối quan hệ giữa chuyển đổi số và giáo dục mở; xác định những bất cập, khoảng cách giữa chính sách và thực tế triển khai; đồng thời, đề xuất các giải pháp phát triển giáo dục mở phục vụ nhu cầu học tập suốt đời và phát triển xã hội học tập ở Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.