(HNM) - Sự lỏng lẻo trong công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp dẫn tới tình trạng sử dụng không đúng mục đích, bị lấn chiếm, chiếm dụng, cho thuê sai quy định... vẫn còn xảy ra ở một số nơi.
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích 5% trên địa bàn thành phố có khoảng 13.858ha. Quá trình quản lý, sử dụng, một phần quỹ đất công ích đã được chuyển mục đích sử dụng sang phi nông nghiệp. Đến nay, diện tích đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích còn lại hơn 10.688ha.
Theo Nghị định 64/CP của Chính phủ, quỹ đất công ích 5% được sử dụng vào các mục đích như cho thuê để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản hoặc dùng vào mục đích xây dựng công trình công cộng tại cấp xã, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; tiền thu được từ việc cho thuê quỹ đất công ích được dùng cho nhu cầu công ích của địa phương. Quy định là vậy, nhưng không ít địa phương giao khoán, cho thuê đất tùy tiện, không đúng đối tượng, thời gian hoặc bỏ đất hoang hóa, sử dụng không đúng mục đích, bị lấn chiếm, gây lãng phí đất đai khá nhiều. Huyện Từ Liêm là một ví dụ: Toàn huyện có 2.511 hộ gia đình, cá nhân tự sử dụng hơn 47ha đất nông nghiệp công ích không ký hợp đồng thuê đất với UBND xã; có 2 tổ chức sử dụng gần 1,4ha đất nông nghiệp vào mục đích phi nông nghiệp, đó là HTX Yên Nội ký hợp đồng với UBND xã Liên Mạc để sản xuất nông nghiệp, nhưng sử dụng làm bãi tập kết vật liệu xây dựng và HTX Quyết Tiến, xã Trung Văn cũng sử dụng 10.454m2 đất công ích làm bãi tập kết vật liệu xây dựng. Hầu hết các địa phương không có bản đồ, hồ sơ, sổ sách quản lý theo quy định của Chính phủ. Đặc biệt, có nơi sử dụng đất công ích hơn 10% tổng quỹ đất nông nghiệp, vượt 5% tỷ lệ cho phép. Việc thu, chi tiền từ cho thuê đất nông nghiệp công ích có biểu hiện sai phạm, không thực hiện đúng các quy định, gây khiếu kiện phức tạp ở một số địa phương...
Thống kê sơ bộ, số diện tích đất nông nghiệp công ích trên địa bàn thành phố cho thuê không đúng mục đích dưới 5 năm khoảng 16,63ha, trên 5 năm là 50,57ha; diện tích bị lấn chiếm trái phép là 17,23ha. Phần lớn quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích nằm rải rác, xen kẹt với các thửa đất nông nghiệp khác, có diện tích không xác định được ranh giới với thửa đất giao cho hộ gia đình, cá nhân theo Nghị định 64/CP, gây khó khăn cho công tác quản lý. Đơn cử như phường Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây, diện tích đất sử dụng vào mục đích công ích khoảng 7,36ha, trong đó 1,87ha ao, đầm được UBND phường ký hợp đồng giao thầu cho một số gia đình, diện tích còn lại nằm rải rác ở các cánh đồng. Ông Khuất Quang Thao, cán bộ địa chính phường Trung Sơn Trầm cho biết, một số thửa đất nông nghiệp công ích trên địa bàn chỉ rộng từ 40m2 đến 360m2, nằm xen kẹt với diện tích giao theo Nghị định 64/CP. Do quá trình quản lý, sử dụng thiếu chặt chẽ, không lập đầy đủ sổ sách theo dõi nên nhiều năm qua địa phương không thu được tiền sử dụng đất.
Để xảy ra những sai phạm trên, trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lý. Nhiều trường hợp vi phạm chưa được ngăn chặn kịp thời, kiểm tra và xử lý triệt để, gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Để khắc phục tình trạng này, các địa phương cần rà soát, xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra, xử lý kịp thời các trường hợp sử dụng đất nông nghiệp công ích sai mục đích, chấm dứt hợp đồng ký không đúng thời gian và không đúng đối tượng theo quy định; đồng thời có biện pháp ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm, mua bán, chuyển đổi mục đích sử dụng đất công ích trái pháp luật; không hợp thức hóa và làm thủ tục công nhận quyền sử dụng đất cho các trường hợp vi phạm; không áp dụng hoặc đề nghị hỗ trợ thiệt hại ngoài chính sách quy định cho các trường hợp vi phạm về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất công khi Nhà nước thu hồi đất...
Bên cạnh đó, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cần tăng cường công tác quản lý, thực hiện nghiêm quy hoạch có liên quan, công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chủ động kiểm tra, hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng đất đai cho cấp huyện, cấp xã và tổ chức, cá nhân. Trên cơ sở Luật Đất đai (bổ sung, sửa đổi), chủ động nghiên cứu, đề xuất quy định về giao đất, cho thuê đất, gia hạn thời gian sử dụng đất; lựa chọn các địa phương, khu vực có vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp công ích nghiêm trọng, kéo dài, chậm xử lý để thanh tra, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm, xử lý nghiêm minh trước pháp luật...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.