(HNM) - Để từng bước hạn chế việc sử dụng, lạm dụng hóa chất của người dân trong các sản phẩm nông nghiệp như rau, củ, quả, thịt, cá… ngành nông nghiệp đang thực hiện quản lý các sản phẩm theo chuỗi an toàn thực phẩm.
Chưa rõ ràng lợi ích
Theo Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ NN& PTNT), trong thời gian vừa qua, việc thanh tra, kiểm soát ATTP vẫn phát hiện nhiều trường hợp không bảo đảm chất lượng, gây bức xúc trong dư luận xã hội như: Tỷ lệ mẫu rau quả tươi có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt ngưỡng cho phép luôn ở mức 5,6%-6,8%; thịt gia súc, gia cầm có tồn dư hóa chất, kháng sinh, chất tạo nạc vượt ngưỡng cho phép 2%-4,9%; thủy sản có tồn dư hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng cho phép 0,7%-2,6%... Ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng phòng Quản lý chất lượng 2, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, việc kiểm soát ATTP đã được triển khai nhưng chưa thật sự tập trung vào các điểm trọng yếu, dựa trên cơ sở phân tích nguy cơ về ATTP; kiểm soát còn có sự trùng lặp, chưa có sự kết nối thông tin chặt chẽ về ATTP; lợi ích về sản xuất sản phẩm an toàn chưa rõ ràng, chưa tạo ra động lực cho nhà sản xuất; cơ chế chính sách cho sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn vẫn còn hạn chế. Các ngành chức năng vẫn chưa mạnh dạn công khai các trường hợp vi phạm để nâng cao tính răn đe; đầu tư cho sản xuất nông sản và các sản phẩm khác của ngành nông nghiệp còn nghèo nàn, dẫn đến chất lượng thấp. Sản xuất nông sản còn manh mún, nhỏ lẻ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trên thực tiễn còn bất cập; thiếu liên kết hoặc liên kết chưa bền vững giữa các nhà sản xuất, phân phối và người tiêu thụ nên thông tin về sản phẩm còn mù mờ…
Ảnh minh họa: Bảo Lâm |
Theo bà Cao Minh Huệ - Cục Chế biến, thương mại nông lâm, thủy sản và nghề muối, do ý thức và kiến thức chưa cao, người dân đã lạm dụng thuốc BVTV, bón phân không đúng cách dẫn tới sản phẩm rau, củ, quả không bảo đảm chất lượng; sử dụng hóa chất độc hại trong bảo quản sản phẩm. Chẳng hạn như tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau an toàn (RAT). Cả nước có 823 nghìn héc ta rau thì diện tích RAT và hướng an toàn mới là 31,6 nghìn héc ta; việc sơ chế, bảo quản chủ yếu được tiến hành thủ công; người lao động thiếu kiến thức về công nghệ bảo quản và vệ sinh ATTP. Kênh tiêu thụ RAT chủ yếu qua chợ bán buôn rồi đến chợ bán lẻ, rất ít được bán trong siêu thị, trung tâm thương mại lớn. Tại Hà Nội, rau xanh được phân phối qua 8 chợ đầu mối, 395 chợ dân sinh và một số siêu thị song RAT mới chỉ được phân phối tại hơn 60 cửa hàng chuyên doanh (50-120kg/cửa hàng/ngày) 35 siêu thị (80-200kg/siêu thị/ngày), 72 điểm phân phối ở các khu dân cư (100-150kg/điểm/tuần). Thế nên hiện nay, người tiêu dùng vẫn khó phân biệt sản phẩm đã kiểm soát ATTP và chưa kiểm soát ATTP; và ngoài ra vẫn thiếu sự tham gia giám sát của cộng đồng trong toàn bộ chuỗi sản xuất, dẫn đến tình trạng thật giả lẫn lộn trên thị trường.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Để mô hình sản xuất nông sản theo chuỗi ATTP có hiệu quả, Nhà nước cần hỗ trợ một phần kinh phí và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất tham gia mô hình di chuyển vào vùng quy hoạch để phát triển lâu dài, bền vững; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (hệ thống tưới tiêu, xử lý nước, nước thải, điện chiếu sáng…) cho các vùng sản xuất an toàn theo chuỗi. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức sản xuất nông sản theo chuỗi ATTP cho nông dân, kết hợp với việc "cầm tay chỉ việc" tại khu sản xuất; hỗ trợ cho người sản xuất kinh doanh có nguồn vốn vay ổn định, dài hạn với lãi suất ưu đãi; nâng cấp và tạo cơ chế chính sách thông thoáng cho các chợ đầu mối trọng điểm tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Nguyễn Như Tiệp cho rằng, để quản lý tốt các sản phẩm nông sản theo chuỗi và giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết, việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đóng vai trò quan trọng. Các địa phương cần xây dựng các giải pháp truyền thông nhằm quảng bá, giới thiệu cách nhận diện sản phẩm an toàn; xây dựng sàn giao dịch để người tiêu dùng tiếp cận và lựa chọn sản phẩm; vận động các nhà phân phối, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể lựa chọn sản phẩm nông nghiệp an toàn để có đầu ra ổn định. Ngoài ra, các đơn vị của ngành nông nghiệp cần phối hợp với địa phương nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sản xuất, chế biến sản phẩm theo hướng giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao chất lượng sản phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.