Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý linh hoạt, xử phạt nghiêm minh

Tuấn Khải| 09/09/2015 06:28

(HNM) - Phải đến khi các bộ: Tài chính, GT-VT có các văn bản

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay thị trường vận tải hoạt động theo hình thức cạnh tranh, nên Nhà nước không thể định giá, tuy nhiên không thể chấp nhận tình trạng chây ì của DN. Do đó, cùng với điều chỉnh theo hướng linh hoạt hơn trong cơ chế quản lý, các cơ quan nhà nước cần tăng cường thanh, kiểm tra, nếu phát hiện các DN có hiện tượng "bắt tay" kìm giữ giá cước thì phải xử lý nghiêm.


Rục rịch giảm giá

Vào cuối tháng 8-2015, tại địa bàn Hà Nội, chỉ có một số ít DN taxi giảm giá cước. Trong đó, đáng chú ý là hãng VIC taxi giảm ở mức 800 đồng/km và taxi Ba Sao giảm 1.000 đồng/km. Phải đến sau đợt giảm giá nhiên liệu mới nhất (ngày 3-9), đại diện nhiều hãng taxi mới cho biết đang tính toán phương án giảm giá cho phù hợp với mức giảm của nhiên liệu. Về cơ bản, mức giá giảm dự kiến được các DN đưa ra ở mức 500-800 đồng/km.

Đối với hoạt động vận tải khách liên tỉnh, ngày 8-9, ông Lý Trường Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch Công ty CP Bến xe Hà Nội cho biết, hầu hết các DN đã đăng ký giảm giá cước từ ngày 1-9 với mức giảm 3-7%. Chẳng hạn, Trung tâm Tân Đạt chạy tuyến Mỹ Đình - Thái Nguyên giảm 4% (giá vé từ 50.000 đồng/khách, giảm còn 48.000 đồng/khách); Xí nghiệp Xe khách Nam Hà Nội giảm 5% (tương đương 3.000 đồng/khách) trên các tuyến Mỹ Đình - Giao Thủy (Nam Định) và Mỹ Đình - Nghĩa Hưng (Nam Định); Công ty TNHH Hiền Phước chạy tuyến Giáp Bát - Bến xe miền Đông (TP Hồ Chí Minh) giảm 5% (giá vé từ 840.000 đồng/khách, giảm xuống còn 800.000 đồng/khách)… Hàng loạt DN khác cũng đã đăng ký giảm cước kể từ ngày 10-9 với mức giảm sâu hơn (9-10%). Trong đó, Công ty CP Vận tải thủy bộ Yên Bái giảm 10.000-15.000 đồng/khách trên các tuyến từ Mỹ Đình đi Mậu A, Nghĩa Lộ (Yên Bái)…

Nhiều ý kiến cho rằng, từ đầu năm đến nay, giá xăng đã được điều chỉnh 11 lần. Trong đó có 7 lần giảm giá (giảm tổng cộng 5.586 đồng/lít) và 4 lần tăng giá, với mức tăng tổng cộng 5.040 đồng/lít. Việc các DN vận tải giảm giá cước với các mức giảm nói trên là phù hợp với mức giảm của nhiên liệu. Tuy nhiên, việc giảm giá này không phải đến từ sự tự nguyện của DN, mà bắt nguồn từ sức ép của dư luận, xã hội và đặc biệt là sau khi các bộ: Tài chính, GT-VT có công văn yêu cầu các cơ quan quản lý địa phương kiểm tra, giám sát việc kê khai và niêm yết của các DN vận tải và báo cáo kết quả kiểm tra, thực hiện trước ngày 30-9.

Vừa "mở", vừa "quản"

Cũng giống như nhiều lần giảm giá nhiên liệu khác, các DN vận tải đều viện dẫn hàng loạt lý do cho việc không giảm giá cước. Với hoạt động taxi phổ biến nhất là quan điểm mỗi lần điều chỉnh giá cước thì thời gian để hoàn thành các thủ tục xin phép, kiểm định, cài đặt hệ thống đồng hồ ít nhất 10-12 ngày. Có khi vừa thay bảng giá mới thì xăng lại biến động chiều ngược lại. Mà mỗi lần điều chỉnh, DN lại tốn kém cả tỷ đồng. Sự biến động bất thường của xăng dầu cũng là nguyên nhân chính được giới vận tải đường dài viện dẫn để chây ì giá cước. Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, chu kỳ tính còn 15 ngày khiến các hãng vận tải đường dài đuổi không kịp với diễn biến giá xăng, dầu, nhất là khi thị trường biến động bất thường như từ đầu năm đến nay.

Hiện, thị trường vận tải hoạt động theo hình thức cạnh tranh nên Nhà nước không thể định giá, tuy nhiên các chuyên gia kinh tế cho rằng điều đó không có nghĩa là quản lý nhà nước phải bó tay nhìn DN "tự tung tự tác". Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam, việc các DN vận tải không giảm giá cước là không thể chấp nhận được. Để tình trạng chây ì này không tiếp diễn trong thời gian tới, cơ quan quản lý cần có các văn bản yêu cầu DN tính toán lại chi phí để giảm giá cước vận tải tương ứng với mức giảm của giá nhiên liệu. Đồng thời, các cơ quan quản lý giá, vận tải... phải tăng cường thanh tra, kiểm tra các DN vận tải. Theo ông Thỏa, phải kiểm tra nhiều, tạo áp lực lớn thì DN mới chịu giảm giá, còn nếu cứ để DN tự giác giảm giá sẽ rất khó dù trách nhiệm của DN được nêu rất rõ trong Luật Giá.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận xét, có một thực tế hiện nay là cơ chế quản lý giá cước hiện chưa tạo điều kiện thuận lợi cho DN vận tải trong điều chỉnh giá cước. Cạnh tranh theo cơ chế thị trường nhưng mỗi lần tăng, giảm giá cước, DN lại phải gửi báo cáo, kê khai, kẹp chì lại thiết bị… đến các cơ quan chức năng và chờ các cơ quan này tính toán, cho phép. Quy trình rườm rà này gây mất nhiều thời gian, chi phí của DN. Vì vậy, Nhà nước nên tạo môi trường cạnh tranh thực sự cho DN vận tải, trong đó có cơ chế về giá, cho phép DN vận tải có quyền tự quyết trong điều chỉnh tăng, giảm giá cước, loại bỏ những thủ tục rườm rà, gây khó cho DN.

Tăng cạnh tranh để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng

(HNM) - Chiều 8-9, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã tổ chức tọa đàm: "Giá cước vận tải và quyền lợi của người tiêu dùng (NTD)". Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cùng chung nhận định, NTD Việt Nam đang chịu thiệt thòi không nhỏ với giá cước vận tải hiện nay. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vinastas, giá cước taxi ở TP Hồ Chí Minh đang cao hơn 40% so với Singapore. Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam phân tích, giá cước taxi ở Việt Nam hiện nay đang cao hơn đáng kể so với các nước trong khu vực. Cụ thể, giá cước taxi trung bình ở Bangkok (Thái Lan) là 3.800 đồng/km; Manila (Philippines) là 5.700 đồng/km; Jakarta (Indonesia) là 6.300 đồng/km; thậm chí tại Singapore cũng chỉ 8.700 đồng/km. Theo các chuyên gia kinh tế, NTD đang chịu thiệt hại nặng nề khi các doanh nghiệp vận tải (DNVT) không chịu giảm giá cước vận tải, mặc dù giá xăng dầu - một yếu tố cấu thành quan trọng trong giá cước vận tải (chiếm tới 25 - 35%) đã giảm 5 lần liên tiếp (khoảng hơn 16%) trong 3 tháng vừa qua. Theo các chuyên gia, bên cạnh các biện pháp hành chính đang áp dụng như kê khai giá cước vận tải, Nhà nước cần có cách tiếp cận mang tính thị trường và chỉ liều thuốc "cạnh tranh" giải quyết triệt vấn đề giá cước vận tải.


Hà Phạm


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý linh hoạt, xử phạt nghiêm minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.