Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý cây xanh đô thị tại Hà Nội: Tăng trồng mới và thay thế cây già cỗi

Dạ Khánh| 07/11/2022 06:12

(HNM) - Là đô thị có chủng loại cây xanh phong phú, đa dạng, hệ thống cây xanh đô thị tại Hà Nội được trồng từ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và tiếp tục được thành phố chú trọng phát triển mở rộng trong nhiều năm qua, đem lại không gian xanh mát cho Thủ đô. Tuy nhiên, bên cạnh hệ thống cây xanh mới trồng, nhiều cây xanh đô thị trải qua gần thế kỷ phát triển đã già cỗi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, cần sớm được thay thế.

Hệ thống cây xanh đô thị của Thủ đô cần được khảo sát, đánh giá, để xây dựng đề án chăm sóc, bảo tồn và phát triển.

Cây xanh đô thị chịu nhiều tác động

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 1,7 triệu cây xanh đô thị, với các loài chủ yếu: Xà cừ, sấu, phượng, muồng, bằng lăng, giáng hương, bàng, chiêu liêu... Không thể phủ nhận, hệ thống cây xanh đô thị Thủ đô đem lại không gian xanh mát, giúp cân bằng sinh thái, chống ồn, chống bụi, chống hiệu ứng nhà kính, mang lại môi trường trong lành cho Thủ đô. Nhiều con đường, tuyến phố đã gắn bó với các loại cây như những biểu tượng đẹp, mang nhiều dấu ấn lịch sử.

Tuy nhiên, cây xanh sống trong môi trường đô thị chịu tác động bởi nhiều yếu tố: Không gian sống bị thu hẹp, hiện tượng đảo nhiệt và hút gió bởi bê tông, nhà cao tầng; cây bị xâm hại, chặt rễ khi thi công làm đường, lát hè hay nơi mực nước ngầm thấp, không gian sống của rễ hạn chế,... dẫn đến nhiều cây phát triển cong queo, lệch tán, nghiêng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Ngoài ra, tuổi thọ của cây cũng giảm hơn so với cây sống trong điều kiện môi trường tự nhiên. Mặc dù những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, giám sát, cắt sửa cây nguy hiểm, bảo đảm an toàn hệ thống cây xanh đô thị, nhất là trong mùa mưa bão, song theo Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị thành phố (Sở Xây dựng Hà Nội) Trần Anh Tuấn, nhiều trường hợp rất khó phát hiện bằng mắt thường, nhất là cây bị sâu mục bên trong thân.

Bên cạnh đó, nhiều cây xanh được trồng từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trải dài trên địa bàn các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, một phần quận Hai Bà Trưng, Đống Đa... giờ đã già cỗi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Tuy nhiên lâu nay, cây xanh là vấn đề nhạy cảm, luôn nhận được sự quan tâm của dư luận. Điển hình như cây đa cổ thụ (trên 100 tuổi) nằm trên dải phân cách đường Võ Chí Công (thuộc địa phận phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy). Sở Xây dựng Hà Nội đã không ít lần khảo sát để lên phương án cắt sửa cây, bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão, song đều bị người dân khu vực ngăn cản... Hệ quả, dù không chịu ảnh hưởng bởi mưa bão, rạng sáng 13-6-2022, một cành cây to của cây đa cổ thụ này đã gãy chắn ngang đường do bị sâu mục bên trong thân.

Những hàng cây lát hoa được trồng cách đây 5 năm trên đường Trịnh Đình Cửu (quận Hoàng Mai) đã bắt đầu cho bóng mát.

Nâng cao trách nhiệm quản lý cây xanh

Nhằm tăng cường quản lý cây xanh đô thị, cũng như phát triển hệ thống cây xanh - cảnh quan, UBND thành phố đang lấy ý kiến dự thảo Quy định về quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội (sửa đổi và thay thế Quyết định số 19/2010/QĐ-UBND ngày 14-5-2010). Việc sửa đổi này nhằm phù hợp với quy định pháp luật mới (Luật Tài sản công 2017); đồng thời nâng cao trách nhiệm công tác quản lý cây xanh trên địa bàn thành phố.

Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Lê Văn Du chia sẻ, theo dự thảo quy định, trách nhiệm và quyền hạn của các đơn vị chăm sóc, quản lý duy tu, duy trì cây xanh; trách nhiệm quản lý, kiểm tra giám sát, bảo đảm mật độ cây xanh theo quy hoạch trong các khu đô thị, khu công nghiệp được quy định rõ. Đặc biệt, dự thảo quy định còn quy định về kế hoạch đầu tư, phát triển cây xanh sử dụng công cộng đô thị. Theo đó, thành phố sẽ khảo sát, lập kế hoạch thay thế cây bị sâu bệnh không có khả năng điều trị, cây già cỗi, còi cọc, cong, nghiêng không đạt yêu cầu thẩm mỹ và kém phát huy tác dụng cải thiện môi trường; khảo sát, chặt hạ và trồng thay thế cây bị chết, cây có nguy cơ không bảo đảm an toàn, cây có nguy cơ gãy đổ đột ngột. Đồng thời, khảo sát, lập kế hoạch trồng mới, cải tạo, chỉnh trang cây trên đường phố, trong công viên, vườn hoa và các khu vực công cộng.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, nhằm bảo đảm an toàn, nhiều quốc gia, như Pháp, Singapore quy định rõ trồng cây đô thị trong thời gian bao lâu thì phải thay thế. Tại Hà Nội hiện mới có trồng cây xanh mà chưa tính toán việc thay thế. Do đó, hệ thống cây xanh đô thị cần được khảo sát, đánh giá, để xây dựng đề án chăm sóc, bảo tồn và phát triển. Trong đó, cần lập danh mục cây bảo tồn, cây di sản, cây có giá trị lịch sử - văn hóa; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân lập kế hoạch quản lý, chăm sóc, duy trì; cũng như xem xét thu hồi, thay thế cây già cỗi nguy hiểm... Bên cạnh đó, thành phố cũng nghiên cứu quy hoạch phát triển hệ thống cây xanh đô thị; định hướng các loài cây trồng trong đô thị; lựa chọn một loài cây chủ đạo để trồng mới, trồng thay thế, bổ sung.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để phòng ngừa tai nạn do cây gãy đổ trong mùa mưa bão, việc thay thế những cây đã quá già cỗi, thiếu thẩm mỹ là cần thiết, song không phải chặt bỏ hết cây cổ thụ mà cần có cách làm khoa học. Không khó để đánh giá tình trạng của cây bằng các công nghệ hiện có như siêu âm, khoan rút lõi, quan sát đánh giá tình trạng sâu bệnh... Bên cạnh đó, khi nghiên cứu trồng cây đô thị phải tính đến khả năng sinh học của từng loài, ưu tiên cây có tuổi thọ cao và phải trồng lâu dài, có tầm nhìn theo từng tuyến phố của Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quản lý cây xanh đô thị tại Hà Nội: Tăng trồng mới và thay thế cây già cỗi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.