Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm: lỏng lẻo, chồng chéo

Kim Vân| 02/02/2010 07:03

Càng gần Tết, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) càng trở nên bức xúc và được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm bởi liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Trong khi đó việc phân công quản lý nhà nước về lĩnh vực này lại thiếu đồng bộ, lỏng lẻo và chồng chéo giữa các


Bài 1: Ba “nhạc trưởng” cùng “vung đũa”

Tại một cuộc họp mới đây của Ban chỉ đạo ATVSTP thành phố Hà Nội, câu chuyện về xử lý hành vi mua bán, vận chuyển dầu tái sinh của cán bộ Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an thành phố) đã cho thấy rõ sự chồng chéo song lại có rất nhiều khe hở trong quản lý ATVSTP. Những người thi hành luật pháp lại phải lách luật để có thể xử lý những hành vi vi phạm nhưng không phải lúc nào cũng đạt được mục tiêu ngăn chặn, răn đe những người coi thường sức khỏe của đồng loại.


Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố kiểm tra chất lượng ATVSTP tại chợ Ngô Sĩ Liên, quận Đống Đa (ngày 30-1). Ảnh: Trần Lập



Mỡ bẩn, dầu tái sinh không vi phạm ATVSTP!

Theo lời kể của một cán bộ cảnh sát môi trường, khá nhiều vụ sản xuất, buôn bán mỡ bẩn, dầu tái sinh bị phát hiện trong thời gian qua nhưng chỉ có ít trường hợp khép tội được. Và trong số ít vụ án có thể đem xét xử ấy thì cũng phải "chuyển" người vi phạm sang tội danh "kinh doanh trái phép", chứ không thể xử lý hình sự vì vi phạm quy định về ATVSTP. Có trường hợp sản xuất mỡ bẩn để bán nhưng không thể xử theo tội trên vì họ không đăng ký kinh doanh. Phần lớn các trường hợp này đành giao cho cơ quan chức năng xử phạt hành chính. Ví dụ như công an phát hiện một cơ sở mua bán mỡ động vật về rán lấy mỡ nước, rồi để đông đặc thành bánh, phân phối đi khắp nơi. Nhưng khi công an phối hợp với bên thú y để xử lý thì được hỏi lại: "Mỡ ấy đã qua nhiệt chưa?", nếu đã đem đi rán thì lại thuộc quyền quản lý của y tế. Hỏi y tế thì được trả lời cơ sở ấy đã được cấp phép đủ điều kiện ATVSTP chưa và y tế chỉ kiểm tra, xử lý những đơn vị đã có giấy phép nhưng làm sai quy định, còn chưa cấp thì không kiểm tra được. Truy hỏi người bán hàng, họ trả lời, họ chỉ biết rán mỡ động vật lấy mỡ để bán, còn người mua có dùng mỡ đó để chiên ngô, rán quẩy hay chế biến thức ăn hay không thì không biết? Có khi họ lại dùng làm thức ăn chăn nuôi hay làm nến! Kết cục là ngành công an không biết phải phối hợp với ai và không thể xử lý nghiêm vi phạm bằng những biện pháp mạnh, ngoài việc tịch thu hàng và xử phạt hành chính.

Nhưng xử phạt hành chính cũng không dễ, bởi đơn vị nào chịu trách nhiệm cũng đồng thời là đơn vị phải xây dựng phương án xin kinh phí tiêu hủy sản phẩm, trong khi chi phí tiêu hủy quá lớn. Vì thế, đã có tình trạng đùn đẩy, né tránh và hàng trăm tấn mỡ bẩn phải nằm chờ vài tháng nay xem ngành y tế hay nông nghiệp và phát triển nông thôn là đơn vị "được" nhận trọng trách này.

Từ câu chuyện mỡ bẩn, dầu tái sinh có thể thấy, đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới về số người ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm ở nước ta mỗi năm là khoảng 8,2 triệu người không khiến ai phải ngạc nhiên.

"Rối" vì "nhạc công" tồi

ATVSTP tại các chợ gần như vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát.   Ảnh: Thái HIền


Câu chuyện trên chỉ là một ví dụ chứng minh sự bất cập trong quản lý nhà nước của ta hiện nay về ATVSTP. Xử lý dầu tái sinh, mỡ bẩn, những sản phẩm nhìn đã thấy mất vệ sinh, thiếu an toàn mà đã khó phân định ranh giới đến vậy, thì việc quy cho rõ trách nhiệm đối với các sản phẩm phục vụ nhu cầu ăn uống của con người từ khi là vật nuôi, cây trồng cho đến khi là thức ăn, thật không đơn giản. Hiện có đến 3 bộ chịu trách nhiệm chính trong chuỗi cung cấp thực phẩm cho người dân; 337 văn bản quy phạm pháp luật do cấp trung ương ban hành liên quan đến quản lý chất lượng ATVSTP nhưng rốt cục vẫn có những sản phẩm, những khâu trong chuỗi cung cấp thực phẩm không thuộc quyền quản lý của ai, cũng có nghĩa là không đơn vị nào chịu trách nhiệm. "Bản nhạc" dở ấy lại đang được những "nhạc công" tồi thể hiện.

Theo Pháp lệnh VSATTP và Nghị định 163 thì có 3 cơ quan: Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương được giao quản lý về ATVSTP. Trong đó, Bộ Y tế được giao nhiệm vụ chủ trì; Bộ NN&PTNT quản lý ở khâu sản xuất, từ nuôi trồng, khai thác, thu hái, sản xuất, chế biến, giết mổ, bảo quản, vận chuyển cho đến khi nông sản được đưa ra thị trường. Từ đây, các sản phẩm này thuộc quyền quản lý của Bộ Công thương. Khi sản phẩm này trở thành thực phẩm thì Bộ Y tế sẽ có trách nhiệm. Đó là chưa kể, việc công nhận quy chuẩn kỹ thuật lại do Bộ KH&CN đảm trách.

Trong khi đó, Nghị định 79 lại quy định 2 bộ là Y tế và NN&PTNT tổ chức hệ thống quản lý nhà nước, thanh tra và kiểm nghiệm về ATVSTP. Còn Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa lại ghi: Bộ Y tế chịu trách nhiệm đối với thực phẩm, dược phẩm, vắcxin, sinh phẩm y tế, mỹ phẩm…, có nghĩa là bộ này chịu trách nhiệm toàn bộ về chất lượng thực phẩm; Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm đối với cây trồng, vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật… thủy sản, công trình thủy lợi, đê điều, nghĩa là bộ này chỉ chịu trách nhiệm quản lý chất lượng đối với thủy sản. Cũng theo quy định của luật này thì Bộ Công thương không chịu trách nhiệm quản lý về bất kỳ loại thực phẩm nào.

Đó là những điều ghi trong văn bản pháp luật, còn thực tế triển khai công tác quản lý ATVSTP theo phân công hiện nay thì sao?

Thực hiện trách nhiệm là cơ quan chủ trì, phối hợp, Bộ Y tế đã ký một số thông tư liên tịch với các bộ Công thương, Thương mại (cũ), NN&PTNT… để phân định trách nhiệm. Tuy nhiên, theo đánh giá mới đây của Bộ Y tế thì có khá nhiều việc vẫn chỉ dừng ở mức xây dựng văn bản, thậm chí mới là văn bản dự thảo; một số lĩnh vực làm chưa tốt như việc quản lý giết mổ, kiểm tra thú y và ATTP đối với sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc động vật ở dạng tươi sống lưu thông trên thị trường, sản phẩm thực vật tươi sống nhập khẩu chưa được kiểm soát...; một số mặt hàng hiện đang là khoảng trống trong quản lý như sản phẩm thủy sản sản xuất để bán trong nước; một số loại thực phẩm lại được "cắt khúc" như sản phẩm thủy sản xuất khẩu thì do ngành thủy sản quản lý, còn tiêu thụ nội địa do ngành y tế quản, mặc dù cùng là sản phẩm của một cơ sở sản xuất.

Nhiều cơ quan quản lý, nhiều văn bản chỉ đạo nhưng rốt cuộc mâm cơm của người dân vẫn phụ thuộc vào sự "thông thái" của chính họ.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm: lỏng lẻo, chồng chéo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.