(HNM) - Ngành Nông nghiệp đã và đang đẩy mạnh việc quản lý an toàn thực phẩm nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, do sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún nên vẫn còn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh... trong trồng trọt, chăn nuôi. Vậy đâu là giải pháp để nâng cao ý thức cho người dân về sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn?
Chưa xử lý dứt điểm
Hiện nay, việc quản lý an toàn thực phẩm ở cơ sở còn bất cập do các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, gây khó khăn cho các ngành chức năng trong vấn đề xử lý vi phạm. Bà Nguyễn Thị Thảo ở xã Kim An (huyện Thanh Oai) chia sẻ: "Gia đình tôi có 3 sào rau, mùa nào trồng rau nấy, nhưng vào mùa hè, do mưa kèm với nắng nóng nên sâu bệnh nhiều. Để hạn chế sâu bệnh, gia đình tôi đã mua thuốc bảo vệ thực vật về phun theo hướng dẫn của nhà sản xuất về thời gian cách ly".
Mặc dù, người dân nói sản xuất theo đúng quy trình, nhưng việc giám sát quá trình không đơn giản. Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Đỗ Thị Kim Dung, trên địa bàn huyện có 6.205 cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; 251 hộ giết mổ gia súc, gia cầm; 52 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định và 15 cơ sở sơ chế nhỏ lẻ. Do phần lớn hộ sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn huyện quy mô nhỏ, thậm chí kinh doanh thời vụ; nhiều hộ dân sản xuất manh mún vẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh vượt ngưỡng cho phép.
Tương tự, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Nguyễn Hữu Chi cho biết: Huyện có 158 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm sản; gần 6.000 hộ sản xuất ban đầu nhỏ lẻ (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản); 164 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp và 125 cơ sở ấp nở trứng gia cầm... Việc kiểm tra tận gốc sử dụng các loại kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng, vật nuôi tại các hộ này rất gian nan. Nguyên nhân do phần lớn cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các xã, thị trấn chưa được đào tạo chuyên ngành, hoạt động kiêm nhiệm nên hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, các hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản xuất kinh doanh thực phẩm nằm xen kẽ trong khu dân cư, buôn bán thời vụ, điều kiện cơ sở vật chất không bảo đảm nên khó khăn trong công tác quản lý.
Để giám sát chất lượng an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội đã lấy 445 mẫu sản phẩm nông, lâm sản để giám sát chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Kết quả có 10 mẫu vi phạm (chiếm 4,88%), trong đó có một mẫu rau cải chíp vượt chỉ tiêu thuốc bảo vệ thực vật Chlopyrofos; 7 mẫu thịt (3 mẫu thịt gà; 4 mẫu thịt lợn) nhiễm Samonella; một mẫu thịt lợn vượt giới hạn chỉ tiêu Sulfadimidine; một mẫu thủy sản có dư lượng Enrofloxacin. Qua đây cho thấy, tình trạng vi phạm về sử dụng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt và chăn nuôi vẫn tồn tại.
Trao đổi về khó khăn trong công tác quản lý an toàn thực phẩm ở lĩnh vực nông nghiệp, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết: Hiện nay sản xuất nông nghiệp của thành phố đang trong quá trình chuyển đổi từ nhỏ lẻ sang nền sản xuất hàng hóa; công nghệ sản xuất, sơ chế, chế biến thực phẩm còn thủ công. Vì vậy, các ngành chức năng chưa thể xử lý dứt điểm vấn đề lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong kinh doanh rau, quả và thủy sản... dẫn tới chưa đáp ứng yêu cầu về bảo đảm an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Tăng cường biện pháp quản lý
Chia sẻ về công tác quản lý an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp đạt hiệu quả hơn nữa, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho hay: Huyện Thanh Oai đang tập trung xây dựng, mở rộng các vùng sản xuất quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thực hành nông nghiệp tốt vào sản xuất. Cùng với đó đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn phổ biến các quy định của pháp luật về xử lý các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và chất bảo quản, phụ gia trong các sản phẩm nông, lâm, thủy sản tới người dân.
Dưới góc độ quản lý, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ khẳng định: Sở NN& PTNT Hà Nội tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực phục vụ việc giám sát, quản lý an toàn thực phẩm; nâng cấp hệ thống trang thiết bị, phương pháp kiểm nghiệm để kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề an toàn thực phẩm theo các tiêu chí mà các bộ, ngành đề ra. Mặt khác, Sở phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của thành phố thanh tra đột xuất, triệt phá dứt điểm các đường dây nhập lậu; các cơ sở sản xuất, lưu thông, buôn bán chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi ngoài danh mục được phép sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đồng thời đẩy mạnh xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản an toàn để kiểm soát chất lượng từ "đầu vào" đến "đầu ra" của sản phẩm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.