(HNM) - Căng thẳng thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục bị đẩy lên nấc thang mới, trầm trọng hơn, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo áp mức thuế 10% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.
Dù không quá bất ngờ, song động thái của Washington khiến các chuyên gia lo ngại hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ngày càng lún sâu vào những đòn “ăn miếng, trả miếng” không có hồi kết.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có hồi kết. |
Quan hệ thương mại Mỹ - Trung, như vậy, có thể so sánh như "lửa" thêm "dầu". Thông báo của Nhà Trắng cho biết, quyết định trên được đưa ra sau các cuộc điều tra của Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR), cho thấy Trung Quốc đã áp dụng một loạt chính sách và hành động không công bằng liên quan đến công nghệ và sở hữu trí tuệ của Mỹ. Mức thuế mới mà xứ Cờ hoa đưa ra có hiệu lực đến hết năm 2018 và sẽ nâng lên 25% kể từ năm 2019. Như vậy, với tuyên bố này, gần một nửa trong tổng số hơn 500 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ mỗi năm sẽ phải chịu mức thuế bổ sung.
Tổng thống D.Trump cảnh báo, nếu Bắc Kinh có hành động trả đũa thì Washington sẽ lập tức tiến hành giai đoạn ba là áp gói thuế mới trị giá 267 tỷ USD đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc toàn bộ hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ sẽ bị áp thuế bổ sung.
Đây được coi là phản ứng cứng rắn nhất của ông chủ Nhà Trắng, giữa lúc hai bên đang chuẩn bị nối lại các cuộc đàm phán thương mại cấp cao dự kiến diễn ra tại thủ đô Washington (Mỹ). Khác với gói thuế 50 tỷ USD được đưa ra vào mùa hè vừa qua đối với các sản phẩm công nghiệp, đợt áp thuế bổ sung này chủ yếu nhắm vào các mặt hàng tiêu dùng thông thường như máy điều hòa, đèn, đồ nội thất, ti vi, trang thiết bị văn phòng…
Như vậy, người tiêu dùng Mỹ có nguy cơ phải chi nhiều tiền hơn cho các mặt hàng thiết yếu khi hàng rào thuế quan khiến giá cả hàng hóa từ Trung Quốc tăng lên. Bên cạnh đó, có nhiều lo ngại về việc Bắc Kinh có thể thực hiện hành động trả đũa đối với các sản phẩm nông nghiệp khiến người nông dân xứ Cờ hoa lao đao, bởi giá trị nông sản Mỹ xuất sang Trung Quốc ước đạt gần 20 tỷ USD.
Việc đưa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thoát khỏi các tranh chấp thương mại không phải chuyện một sớm, một chiều. Đây là lần đầu tiên chính quyền Tổng thống D.Trump công khai kế hoạch chuẩn bị cho một cuộc tranh chấp thương mại kéo dài tới tận năm 2019 hoặc có thể lâu hơn. Trung Quốc cũng đang tìm cách đối phó với hậu quả kinh tế về lâu dài và Bắc Kinh đã phải hạ tỷ giá nhân dân tệ thấp hơn so với USD để hỗ trợ xuất khẩu. Trong khi đó, hy vọng về một lối thoát đạt được thông qua đàm phán ngày càng trở nên mờ mịt khi không bên nào chịu nhượng bộ.
Ngay sau khi thông báo về mức thuế mới, Tổng thống D.Trump khẳng định Mỹ sẵn sàng để ngỏ đối thoại với Trung Quốc. Tuy nhiên, tờ SCMP dẫn một nguồn tin Chính phủ giấu tên cho biết, Trung Quốc đang xem xét lại kế hoạch về việc cử phái đoàn do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu tới Mỹ vào tuần tới để tham gia vòng đàm phán mới trước động thái của Washington.
Theo Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso, sự sụt giảm khối lượng giao dịch đồng nghĩa với việc hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới này đang co lại, và tác động tới các nước khác sẽ ngày càng lớn. Trong một cuộc chiến thương mại mà Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từng khẳng định là không có người thắng cuộc, đối tượng chịu thiệt thòi đầu tiên sẽ là nhà sản xuất và người tiêu dùng ở mỗi nước. Vì vậy, việc thu hẹp bất đồng giữa 2 nước là rất cần thiết hiện nay.
Trong đó, kỳ vọng đang được đặt vào cuộc gặp trực tiếp có thể diễn ra giữa Tổng thống Mỹ D.Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại thủ đô Buenos Aires (Argentina), tháng 11-2018.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.