Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ Serbia - Kosovo: Quá ít lựa chọn cho Belgrade

Quỳnh Chi| 20/04/2013 05:40

(HNM) - Dù có tới 9 vòng đàm phán trong suốt 2 năm qua, song nỗ lực bình thường hóa quan hệ Serbia - Kosovo sau cuộc chiến khốc liệt mang tên Kosovo (1-1990) hầu như chưa đạt được tiến triển khả quan nào.

Cây cầu ngăn cách khu vực Cộng đồng người Serbia ở phía bắc Kosovo.


Tương tự như những cuộc gặp trước do Liên minh Châu Âu (EU) làm trung gian, trong cuộc đàm phán mới nhất tại thủ đô Brussels (Bỉ) từ ngày 16-4, người đứng đầu chính quyền Kosovo Hashim Thaci và Thủ tướng Serbia Ivica Dacic đã không đạt được thỏa thuận về quy chế cộng đồng thiểu số Serbia (khoảng 40.000 người) đang sinh sống tại Kosovo với thủ phủ là Pristina, đặc biệt ở khu vực miền Bắc kể từ khi vùng lãnh thổ ly khai này của Serbia - được sự hậu thuẫn của EU - đơn phương tuyên bố độc lập năm 2008. Cụ thể, Belgrade yêu cầu trao cho cộng đồng người Serbia tại Kosovo quyền tự trị rộng rãi và quyền kiểm soát hoạt động các cơ quan an ninh và hệ thống tư pháp địa phương bằng cách nắm giữ các chức vụ lãnh đạo. Trong khi đó, Pristina lại đòi hỏi được duy trì hệ thống an ninh và tư pháp thống nhất tại Kosovo, không có ngoại lệ dành cho người Serbia. Đây chính là bất đồng mấu chốt khiến đàm phán giữa hai bên lâm vào thế bế tắc kể từ khi khởi động từ tháng 3-2011. Dù lãnh đạo Kosovo và Serbia tiếp tục ngồi vào bàn thương thảo ngày 19-4 song khoảng cách lập trường của hai bên là khó có thể khỏa lấp.

Yếu tố duy nhất mang tính quyết định có thể khiến các nhà lãnh đạo Serbia nhượng bộ trên bàn đàm phán là mục tiêu gia nhập EU mà nước này theo đuổi trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, với tư cách là những người đứng đầu một quốc gia có chủ quyền, Tổng thống Serbia Boris Tadic và Thủ tướng Ivica Dacic không thể công khai chấp nhận việc một phần lãnh thổ của đất nước bị chia cắt mà không có phản ứng. Trớ trêu thay, chính vấn đề Kosovo lại đang là điều kiện tiên quyết mà EU áp đặt trước khi có thể "nhón tay" nhận lá đơn xin gia nhập liên minh của Serbia. Hiện tại, Belgrade dù đã được công nhận là ứng cử viên chính thức gia nhập "mái nhà chung 27 thành viên" của EU; nhưng đây mới chỉ là bước đi đầu tiên trên con đường trở thành thành viên đầy đủ của khối, nhất là khi EU coi bình thường hóa trong quan hệ của Serbia với Kosovo là thước đo để đánh giá Belgrade có hội đủ điều kiện cho các cuộc đàm phán gia nhập EU hay không.

Trên thực tế, kể từ khi Kosovo - vốn là một tỉnh của Liên bang Nam Tư cũ với Serbia là nước cộng hòa nòng cốt - đơn phương tuyên bố độc lập (2008), Belgrade phải hứng chịu không ít áp lực chính trị và kinh tế từ Mỹ và EU. Trong một thời gian dài, Serbia hầu như không có được một khoản đầu tư nước ngoài để có thể giúp khôi phục lại nền kinh tế đã bị phá hủy nghiêm trọng từ hậu quả chiến dịch không kích của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ hơn một thập kỷ trước. Trong khi đó, Montenegro - mới tách ra khỏi Serbia được 4 năm - lại đang nhận được sự giúp đỡ rất tích cực của phương Tây. Đó chính là một "tấm gương" để Mỹ và EU muốn Belgrade phải nhìn nhận như một thông điệp về cái giá phải trả nếu không "đi đúng hướng". Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Serbia có thể nhận được 450 triệu euro hằng năm từ các quỹ hỗ trợ dành cho các quốc gia ứng cử viên chờ xét gia nhập EU. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Thủ tướng Đức Angela Merkel thẳng thừng nêu điều kiện để Serbia có thể gia nhập EU là loại bỏ hai cơ cấu chính quyền tồn tại song song ở Kosovo. Đó là chính quyền của người gốc Albani đã tuyên bố Kosovo độc lập đầu năm 2008 và chính quyền của người Serbia ở khu vực phía bắc Kosovo.

Trong tình thế có quá ít sự lựa chọn như hiện nay, nhiều khả năng Belgrade sẽ buộc phải nhượng bộ trên bàn đàm phán. Nếu vậy, đây quả là một "giấc mơ EU" đắt giá không chỉ với riêng bản thân Tổng thống Tadic, mà còn với chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và lòng tự trọng của người dân Serbia như từng được biết đến ở Châu Âu qua nhiều thế kỷ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ Serbia - Kosovo: Quá ít lựa chọn cho Belgrade

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.