(HNM) - Đảng Nước Nga thống nhất (UR) cầm quyền đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Duma quốc gia (Hạ viện) vừa qua. Tuy nhiên, với số phiếu sụt giảm đáng kể so với mùa bầu cử năm 2008, UR đang phải đứng trước thực tế không thể coi nhẹ là sự nổi lên của một số đảng đối lập.
Cuộc biểu tình lớn nhất thập kỷ trong kỳ nghỉ cuối tuần qua nhằm phản đối kết quả bầu cử cho thấy sự gia tăng ảnh hưởng của phe đối lập trên chính trường có thể dẫn đến những điều chỉnh nhất định trong quan hệ giữa Nga và phương Tây, đặc biệt là Mỹ, trong thời gian tới.
Cảnh sát Nga sẵn sàng dẹp các cuộc biểu tình bất hợp pháp. |
Trên thực tế, ngay khi Thủ tướng Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ ra tranh cử Tổng thống vào tháng 3-2012, nhiều nhà phân tích quốc tế đã lo ngại về triển vọng của quá trình tái khởi động quan hệ Nga-Mỹ khi mới chỉ đi được phần rất ngắn của chặng đường. Xem ra dự đoán của dư luận quốc tế không phải không có lý. Vì nhìn lại, trong thời kỳ người đàn ông được mến mộ nhất nước Nga nắm giữ vị trí tổng thống giai đoạn 2000-2008, người ta cũng nhận thấy không ít sóng gió trong quan hệ Nga-Mỹ và cả phương Tây. Thậm chí, có thời điểm căng thẳng leo thang tới mức thế giới tưởng chừng phải chứng kiến sự hồi sinh của bóng ma chiến tranh lạnh.
Dù quan hệ Nga - Mỹ đã được cải thiện rất nhiều trong 3 năm trở lại đây, song nguy cơ tuột dần cơ hội hợp tác đang ngày càng lộ rõ sau thời gian dài không thể tìm được tiếng nói chung trong những vấn đề gai góc, nhất là kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ chống tên lửa tại Châu Âu (NMD) của Mỹ. Cơ hội hàn gắn vết thương trong quan hệ Nga - Mỹ càng bị thu hẹp khi hai "nhà thiết kế" của chương trình "cài đặt lại" là Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitri Medvedev đang bước vào giai đoạn cuối của nhiệm kỳ. Dù cuộc bầu cử tại Mỹ cuối năm sau mới diễn ra, song, những chỉ số về tín nhiệm gần đây cho thấy ông chủ da màu đầu tiên của Nhà Trắng không dễ giành được thắng lợi trong cuộc đua sắp tới. Và nếu có thể đi tiếp thêm một nhiệm kỳ nữa thì, "đối tác" của Tổng thống B. Obama chắc chắn không còn là Tổng thống D. Medvedev mà 90% sẽ là nhà lãnh đạo V. Putin.
Tuy nhiên, đây không phải là một kịch bản mà phương Tây mong đợi. Ý nghĩ sẽ phải làm việc với một cựu quan chức của Cơ quan Tình báo Nga (KGB), tác giả của nhiều chính sách cứng rắn khiến phương Tây chẳng mấy dễ chịu. Quan trọng hơn, vị chính khách này luôn tỏ ra không tin tưởng vào "ông bạn" phía bên kia bờ Đại Tây Dương. Thời gian gần đây, Thủ tướng V. Putin còn cáo buộc "chú Sam" là kẻ châm ngòi cái gọi là cuộc Cách mạng mùa xuân Arab bằng chiến lược truyền thông bóp méo sự thật. Ngoài ra, chính trị gia được ưa chuộng nhất nước Nga này còn tỏ rõ ý muốn đánh bại vai trò đồng tiền dự trữ số 1 thế giới của USD. Vì thế, không có gì quá bất ngờ khi ngay sau khi kết quả bầu cử Duma Nga được công bố, Mátxcơva và Washington đã có màn "đấu khẩu" khá gay gắt. Thủ tướng V. Putin không ngần ngại cáo buộc phát ngôn của Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton - thể hiện sự nghi ngờ tính công bằng của cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga - đã phát đi thông điệp "bật đèn xanh" cho phe đối lập xuống đường biểu tình. Ông Putin thậm chí còn cho rằng Washington đã trợ giúp tài chính lên tới hàng trăm triệu USD, để những nhóm đối lập và một số tổ chức phi chính phủ ở Nga cố công tìm ra những "sai phạm" trong bầu cử. Cho rằng phương Tây đang tìm cách làm suy yếu và ngăn cản sự trỗi dậy của nước Nga sau thời kỳ tan rã của Liên bang Xô viết năm 1991, Thủ tướng V. Putin khẳng định sẽ không để đất nước lâm vào hỗn loạn như những gì xảy ra ở Kyrgyzstan và Ukraine cách đây vài năm mà phần lớn do sự giật dây của Mỹ. Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner tuyên bố, chẳng điều gì có thể đi xa hơn sự thật. Các chương trình của Mỹ được tạo nên để ủng hộ một quá trình bầu cử công bằng, tự do và minh bạch...
Mặc dù Thủ tướng V. Putin cho rằng, quan hệ Mỹ-Nga sẽ không bị hủy hoại bởi những phát ngôn của Ngoại trưởng H. Clinton, nhưng các nhà phân tích cho rằng lộ trình "tái khởi động" từ năm 2009 giữa hai nước đang đứng trước những thử thách lớn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.