(HNM) - Dù Thượng viện Mỹ vừa bỏ phiếu và đạt đồng thuận cao thông qua bản văn chấm dứt các lệnh cấm vận thương mại từ thời chiến tranh lạnh với Nga sau khi Mátxcơva gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhưng sự đồng thuận này lại khiến Điện Kremlin nổi cơn thịnh nộ.
Nguyên cớ là vừa dỡ bỏ cấm vận nhưng giới tinh hoa Mỹ đã "gài" thêm một biện pháp trong bản văn vừa thông qua, tăng sức ép lên xứ Bạch dương về quyền con người. Rõ ràng việc áp dụng "điều khoản quyền con người Magnitsky" trong bối cảnh mới dự báo quan hệ Nga - Mỹ chưa thể qua cơn sóng gió.
|
Thiết lập Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn với Nga, các tập đoàn của Mỹ như Caterpillar... sẽ được giảm thuế khi xuất khẩu sang xứ Bạch dương. |
Thực tế, khi Nga gia nhập WTO (22-8 vừa qua), các tập đoàn hàng đầu Mỹ như Caterpillar, Ford, JP Morgan Chase và nhiều công ty khác lo ngại họ sẽ gặp bất lợi trước các đối thủ từ những nước khác trong WTO có quan hệ đầy đủ với Nga. Các chuyên gia và các tổ chức kinh tế cũng nhận định, việc Nga gia nhập WTO có thể khiến xuất khẩu Mỹ rủi ro hơn. Bởi hàng rào thuế quan giữa Nga và WTO được hạ thấp sẽ giúp xuất khẩu Nga vươn ra toàn thế giới; đồng thời mở ra cơ hội làm ăn tại Nga cho các doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi các công ty ở Châu Âu, Châu Á được hưởng nhiều lợi thế từ ưu đãi thuế quan để tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường 142 triệu dân - thu nhập gia tăng và tầng lớp trung lưu đang phát triển mạnh - thì các công ty lớn của Mỹ hầu như không có được những lợi thế như vậy ở Nga. Và, thậm chí để xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Nga, Mỹ sẽ phải chịu mức thuế quan cao hơn so với các đối thủ.
Trở ngại này bắt nguồn từ Luật sửa đổi Jackson - Vanik do hai nghị sĩ Henry M.Jackson và C.Vanik đặt ra năm 1974, áp dụng từ thời Chiến tranh lạnh nhằm hạn chế thương mại với Liên Xô và các nền kinh tế mà Mỹ coi là phi thị trường. Điều luật này khiến Mỹ không thể sử dụng cơ chế dàn xếp của WTO trong thương mại với Nga cho tới khi Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) được thông qua. Trước tình hình này, nếu Quốc hội Mỹ không hành động sớm và phê chuẩn PNTR với Nga thì vô hình trung chính Mỹ đang tình nguyện "dâng" các khoản thặng dư thương mại kếch xù tại thị trường Nga cho các nhà xuất khẩu Châu Âu.
Vì vậy, sau khi được Hạ viện phê chuẩn hồi tháng trước, với tỷ lệ 92 phiếu thuận, 4 phiếu chống, ngày 6-12 vừa qua, Thượng viện Mỹ đã thiết lập PNTR với Nga bằng việc hủy bỏ đạo luật 1974; cho phép các mối quan hệ thương mại bình thường với Mátxcơva nhưng chỉ dựa trên cơ sở thường niên. Năm 2011, Mỹ xuất khẩu sang Nga khoảng 8,3 tỷ USD. Sau khi PNTR được thiết lập, xuất khẩu từ xứ Cờ hoa sang Nga hy vọng tăng gấp đôi hay gấp ba trong 5 năm tới.
Tuy nhiên, điều đáng nói là dù các công ty của Mỹ có bị hy sinh lợi nhuận đi nữa thì, các nghị sĩ Mỹ vẫn cho rằng quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn đồng nghĩa với việc chấp nhận sự ủng hộ của Nga với Syria và Iran bất chấp các nỗ lực cô lập của Mỹ và đồng minh với chính quyền đương nhiệm tại hai nước này. Nói cách khác nhiều Thượng nghị sĩ Mỹ không muốn dỡ bỏ luật quyền con người cũ với Nga mà không thay thế bằng một luật mới. Do đó khi thiết lập PNTR với Nga, bản văn bình thường hóa quan hệ thương mại vẫn kèm theo "điều khoản quyền con người Magnitsky". Điều khoản này đã được Hạ viện thông qua và cần sự phê chuẩn của Tổng thống Barack Obama để thành luật, quy định Chính phủ Mỹ sẽ đóng băng tài sản và từ chối cấp thị thực nhập cảnh cho bất cứ người nào dính líu tới cái chết trong tù của ông Sergei Magnitsky - luật sư chống tham nhũng ở Nga hồi năm 2009.
Phản ứng trước sự kiện mới từ Thượng viện Mỹ, các quan chức Nga đã tuyên bố điều khoản Magnitsky là không thể chấp nhận được. Phát biểu ngày 7-12 tại Dublin (Ireland), Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố Mátxcơva sẽ không cấp thị thực nhập cảnh cho những người Mỹ vi phạm quyền con người để trả đũa chính quyền Mỹ áp dụng "điều khoản quyền con người Magnitsky". Ngoại trưởng Lavrov nêu rõ Nga đã nhiều lần cảnh báo phía Mỹ rằng việc áp dụng "điều khoản quyền con người Magnitsky" có thể gây tổn hại quan hệ song phương và sẽ khiến phía Nga phải có biện pháp đáp trả thích ứng. Chính sách "củ cà rốt" và "cây gậy" mới nhất của Mỹ và sự đáp trả của Nga khiến dư luận lo ngại quan hệ Mátxcơva - Washington có thể khơi dậy một thời kỳ chiến tranh lạnh mới.