Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ thêm căng thẳng: ''Nút thắt'' mua sắm vũ khí phòng không

Thùy Dương| 17/12/2020 06:55

(HNM) - Mỹ vừa áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ủy ban Công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ (SSB), người đứng đầu SSB cùng 3 nhân viên cơ quan này liên quan tới việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga. “Nút thắt” này khiến mối quan hệ giữa Washington và Ankara, hai đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) càng thêm căng thẳng.

Bất chấp các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết tâm sở hữu hệ thống tên lửa S-400.

Năm 2017, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Recep Erdogan đã ký một thỏa thuận trị giá 2,5 tỷ USD với Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc mua hệ thống tên lửa S-400. Đây là hệ thống tên lửa đất đối không di động, có thể tiêu diệt mọi vật thể xuất hiện trên không trung trong phạm vi 400km, bao gồm các loại máy bay, tên lửa hành trình... Việc bàn giao cho Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống S-400 mới nhất do Nga sản xuất đã khơi dậy cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ kể từ hồi trung tuần tháng 7-2019.

Washington cho rằng, S-400 không tương thích với các hệ thống phòng thủ của NATO và việc Thổ Nhĩ Kỳ mua tổ hợp tên lửa phòng không này đe dọa khả năng phòng thủ của liên minh. Giới chức quân sự Mỹ đánh giá rất cao khả năng phòng thủ của tổ hợp S-400 và coi sự phổ biến của dòng vũ khí phòng không hiện đại này sẽ khiến thị trường xuất khẩu máy bay F-35 bị thu hẹp. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ triển khai và tích hợp thành công tổ hợp S-400 vào hệ thống phòng không nội địa sẽ tạo tiền lệ cho các quốc gia Cận Đông mua sắm vũ khí phòng không của Nga.

Do đó, trước việc Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết bảo vệ thỏa thuận mua S-400 từ Nga, Mỹ đã ngừng bán máy bay F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ và loại nước này khỏi chương trình hợp tác sản xuất F-35 của NATO từ năm 2019. Thậm chí, Washington đã nhiều lần cảnh báo về khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu kích hoạt S-400 theo đạo luật Chống lại những đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt (CAATSA), vốn cho phép nước này đưa ra lệnh trừng phạt nhằm vào những quốc gia thực hiện hợp đồng mua bán vũ khí quy mô lớn với Nga.

Đạo luật trừng phạt này được Tổng thống Donald Trump ký hồi tháng 8-2017 và đến giờ đã được Mỹ chính thức đưa ra. Các lệnh trừng phạt gồm các dự án chung hay hoạt động chuyển giao công nghệ giữa công ty Mỹ và các công ty Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến SSB sẽ bị cấm, đồng thời đóng băng tài sản và hạn chế thị thực của người đứng đầu SSB - Thứ trưởng Công nghiệp Quốc phòng Ismail Demir cũng như các sĩ quan hàng đầu khác. Đòn trừng phạt mà Mỹ vừa công bố được đưa ra chưa đầy 2 tháng sau khi có báo cáo cho biết quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu thử nghiệm hệ thống S-400.

Theo các nhà phân tích, động thái này của Mỹ sẽ có tác động vượt xa ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, gửi thông điệp tới các đối tác của Mỹ trên thế giới về việc cân nhắc mua thiết bị quân sự của Nga. Phản ứng trước lệnh trừng phạt của Washington, Ankara cho biết các biện pháp trừng phạt là một “sai lầm nghiêm trọng”, chắc chắn sẽ gây tổn hại đến quan hệ song phương và đe dọa tiến hành các biện pháp trả đũa.

Các nhà phân tích nhận định, việc Washington trừng phạt Ankara vào thời điểm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump có thể gây ra những sóng gió trong quan hệ giữa hai bên trong nhiệm kỳ của người kế nhiệm. Tuy nhiên, dù các biện pháp trừng phạt được áp đặt thì mối quan hệ hữu nghị, sự hợp tác chặt chẽ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga và Trung Quốc có thể giúp nước này vượt qua khó khăn. Đặc biệt, trong điều kiện địa chính trị hiện nay, việc Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ phản tác dụng. Bởi trước một thế giới đa cực, rõ ràng là Mỹ khó đạt được điều mình muốn thông qua việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ thêm căng thẳng: ''Nút thắt'' mua sắm vũ khí phòng không

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.