Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ: Lạnh nhạt và nghi kỵ

Quang Huy| 06/08/2016 07:32

(HNM) - Vụ đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ đã để lại những

Quan hệ đồng minh Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đang bước vào giai đoạn khủng hoảng.



Xung đột đầu tiên giữa hai thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) xuất phát từ việc Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Mỹ dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen, đang sống lưu vong ở bang Pennsylvania của nước này với cáo buộc là chủ mưu vụ đảo chính. Tuy nhiên, Washington đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải cung cấp bằng chứng về sự tham gia của giáo sĩ Gulen trước khi đưa ra bất kỳ đề xuất nào với nhà chức trách Mỹ. Căng thẳng leo thang khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra tuyên bố về việc có "bàn tay nước ngoài" dính líu vào vụ chính biến. Thậm chí, Văn phòng Công tố thành phố Edirne, Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ đã “điểm mặt” Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) có liên đới tới cuộc chính biến tại đất nước nằm ở cả hai lục địa Á - Âu, khi “hỗ trợ đào tạo lực lượng nòng cốt trong phong trào của giáo sĩ Gulen". Tổng thống R.Erdogan cũng không ngần ngại cáo buộc đích danh Tư lệnh Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ (CENTCOM) Joseph Votel có liên quan đến cuộc lật đổ chính phủ của ông.

Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia Hồi giáo có mối quan hệ tương đối gần gũi với phương Tây. Được coi là vùng đệm giữa Châu Âu và khu vực Trung Đông thường xuyên xảy ra xung đột, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nơi NATO đặt căn cứ không quân chiến lược Incirlik, hiện giữ vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) của liên quân. Tuy nhiên, trước khi diễn ra vụ chính biến bất thành, Ankara cũng đã “bực dọc” với Washington, khi Mỹ thể hiện rõ sự ủng hộ đối với các nhóm dân quân người Kurd ở Syria - được gọi là Các đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG). Đây là đội quân chiến đấu hiệu quả nhất trong cuộc chiến chống IS ở Syria nhưng lại có liên hệ chặt chẽ với đảng Công nhân người Kurd (PKK). Thế nhưng, phong trào du kích này đã bị Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra ngoài vòng pháp luật trong nhiều thập niên qua. Thổ Nhĩ Kỳ cũng coi các thành viên YPG là khủng bố và đã nhiều lần yêu cầu Mỹ thay đổi lập trường với lực lượng này, nhưng không nhận được sự đồng tình từ Washington.

Còn theo quan điểm của Mỹ, chính quyền của Tổng thống R.Erdogan chưa bao giờ cam kết đầy đủ đối với cuộc chiến chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Syria. Ankara bị cáo buộc đã hỗ trợ tài chính, vũ khí và vật liệu nổ cho nhiều lực lượng của phiến quân Syria, trong đó có cả các tay súng IS cũng như cho phép các chiến binh và vũ khí vượt qua biên giới nước này tràn vào Syria. Một lượng lớn dầu mỏ mà IS khai thác từ các giếng dầu chúng chiếm được ở cả Syria và Iraq cùng nhiều hiện vật văn hóa được cho là tuồn ra thế giới qua các giao dịch đen có sự hậu thuẫn của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.

Vì vậy, biến cố chính trị tại quốc gia ở hai bờ lục địa Á - Âu đã thổi bùng những mâu thuẫn vốn đang âm ỉ lâu nay giữa hai nước. Tuy nhiên, một sự rạn nứt trong quan hệ giữa hai quốc gia này sẽ mang đến những tác động không nhỏ. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, sự lạnh nhạt với phương Tây đang đẩy lùi những nỗ lực gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) của nước này, trong khi với Mỹ và các đồng minh, sự căng thẳng với chính quyền Tổng thống R.Erdogan sẽ không có lợi cho cuộc chiến chống IS cũng như việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tại Châu Âu. Bên cạnh đó, điều này sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ quay sang gần gũi với Nga, quốc gia đang chịu sự cô lập của phương Tây liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ: Lạnh nhạt và nghi kỵ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.