(HNM) - Ngày 17-12 đã trở thành dấu mốc lịch sử trong quan hệ đầy sóng gió giữa Cuba và Mỹ trong hơn 50 năm qua khi Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống B.Obama đồng thời công bố quyết định tái thiết lập quan hệ ngoại giao...
Như vậy, ngày 17-12 đã trở thành dấu mốc lịch sử trong quan hệ đầy sóng gió giữa Cuba và Mỹ trong hơn 50 năm qua khi Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống B.Obama đồng thời công bố quyết định tái thiết lập quan hệ ngoại giao, mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ song phương trong thời gian tới. Quyết định lịch sử này được đưa ra sau một loạt cuộc đàm phán bí mật cấp cao giữa các nhà lãnh đạo hai nước trong suốt 9 tháng qua dưới sự bắc cầu của Tòa thánh Vatican và chính phủ Canada. Trong đó, Chủ tịch Raul Castro và Tổng thống Barack Obama đã có cuộc điện đàm trực tiếp gần 60 phút ngày 17-12 để đi đến thống nhất cuối cùng về khôi phục quan hệ song phương cũng như mở lại cơ quan đại diện ngoại giao ở mỗi nước và nới lỏng một số hạn chế về thương mại.
Hai nhà lãnh đạo đã có bài phát biểu trên truyền hình cùng lúc về bước đột phá lịch sử trong quan hệ giữa hai bên. Từ Nhà Trắng, Tổng thống B.Obama khẳng định Washington đã sẵn sàng cho "một chương mới" trong các mối quan hệ với Cuba; đồng thời nhấn mạnh đã đến lúc chấm dứt "cách tiếp cận lỗi thời" lâu nay, điều không thể giúp thúc đẩy quan hệ song phương vốn đã bị đình trệ kể từ năm 1961 tới nay. Vì vậy, đây là thời điểm chín muồi để Mỹ cần phải có cách tiếp cận khác. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, điều chỉnh trong chính sách với Cuba sẽ tạo điều kiện để hai bên tìm lại sự tin tưởng lẫn nhau, hướng tới một tương lai phát triển bền vững và ổn định ở khu vực. Trước đó, Chủ tịch Raul Castro cũng từng nhiều lần bày tỏ sẵn sàng đối thoại với chính phủ Mỹ trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và bình đẳng trong tất cả các vấn đề gai góc nhất trong quan hệ song phương. Nhà lãnh đạo Cuba xem đây là thời điểm của những ước mong trở thành hiện thực.
Bất đồng đầu tiên giữa Washington và Havana đã được khỏa lấp ngay trước thỏa thuận lịch sử khi Cuba trả tự do cho nhân viên của Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USID) Ilan Gross - một điệp viên làm việc cho chính phủ Mỹ bị kết án tù tại Cuba, trong khi Washington trả tự do cho 3 chiến sĩ tình báo Cuba bị giam giữ tại các nhà tù ở Mỹ. Trong nhiều năm qua, đây được coi là rào cản lớn khiến cho hai bên không thể xích lại gần nhau hơn, cho dù cả hai phía đều không ít lần bày tỏ mong muốn cải thiện mối quan hệ lịch sử đầy trắc trở.
Havana và Washington đã đối đầu về ý thức hệ không lâu khi sau cuộc Cách mạng 1959 đưa Fidel Castro trở thành lãnh tụ của Cuba. Mối quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia đã bị Mỹ cắt đứt vào năm 1961 và Washington đã duy trì cấm vận - được cho là dài nhất trong lịch sử thương mại quốc tế - với đảo quốc chỉ cách bang Florida 140km về phía nam suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Thế nên, sự kiện Cuba và Mỹ tái thiết lập quan hệ ngoại giao là minh chứng về quyết tâm đối thoại của chính phủ hai nước; song đây mới chỉ là sự khởi đầu của chặng đường còn rất dài phía trước bởi những khác biệt không dễ "san phẳng" ngay trong một sớm, một chiều. Nói cách khác, việc bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba không đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ chấm dứt hoàn toàn cấm vận với Cuba vì điều này sẽ cần phải được sự chấp thuận của Quốc hội. Nhưng, người đứng đầu nước Mỹ khẳng định sẽ tìm kiếm chính sách đó dù "có thể sẽ phải đối mặt với những phản ứng mạnh mẽ".
Rõ ràng, dù chịu không ít áp lực từ phe Cộng hòa, bước quyết định của Tổng thống B.Obama thể hiện sự quyết đoán của một vị Tổng thống đã đi qua một nửa nhiệm kỳ thứ hai và mối lo tranh cử thêm lần nữa đã ở phía sau. Động thái này cũng củng cố niềm hy vọng của đảng Dân chủ về duy trì sự ủng hộ của các cử tri gốc Latin trong cuộc bầu cử năm 2016. Bên cạnh đó, theo các nhà phân tích mặc dù có sự chỉ trích từ Quốc hội Mỹ; song, xu thế chung trong thời gian tới được dự báo sẽ thuận lợi cho tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba.
Dẫu mới chỉ là bước đầu tiên trong quá trình dài còn ở phía trước, nhưng sự kiện quan hệ Mỹ - Cuba cùng hướng tới tương lai là bước ngoặt quyết định, đánh dấu mốc lịch sử mới trong quan hệ giữa hai quốc gia cùng châu lục, tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân dân hai nước.
Ngày 18-12, trả lời câu hỏi của phóng viên trước sự kiện nguyên thủ Cuba và Hoa Kỳ tuyên bố sẽ nối lại quan hệ ngoại giao, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ: "Việt Nam hoan nghênh việc Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên bố sẽ nối lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước sau 53 năm gián đoạn. Việt Nam tin tưởng rằng các tuyên bố mang tính lịch sử này là bước khởi đầu cho việc tiến tới bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương, đem lại lợi ích chính đáng cho nhân dân Cuba và Hoa Kỳ, góp phần quan trọng vào việc duy trì hòa bình, ổn định và tăng cường hợp tác tại Châu Mỹ và trên thế giới". |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.