Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ EU - Thổ Nhĩ Kỳ: Tín hiệu tích cực sau nhiều ''sóng gió''

Thùy Dương| 17/01/2021 06:37

(HNM) - Mới đây Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) và hy vọng khối liên minh gồm 27 quốc gia thành viên này cũng có thiện chí tương tự. Động thái trên được nhận định là tín hiệu tích cực trong nỗ lực hàn gắn quan hệ nhiều “sóng gió” giữa Ankara và EU những năm qua.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ điều tàu thăm dò khí đốt, tàu hải quân đến vùng biển tranh chấp với Hy Lạp ở Đông Địa Trung Hải làm gia tăng căng thẳng với các nước EU.

Trong cuộc gặp trực tuyến với các đại sứ EU ngày 12-1 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R.Erdogan nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng đưa quan hệ với EU trở về quỹ đạo, đồng thời hy vọng cuộc đối thoại giữa nước này với Hy Lạp về tranh chấp lãnh hải, dự kiến diễn ra vào ngày 25-1 tới, tại thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), sẽ là tiền đề cho một kỷ nguyên mới.

Quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ vốn chẳng êm đềm trong thời gian qua liên quan đến chính sách ngoại giao cứng rắn của Ankara ở khu vực Đông Địa Trung Hải, Libya và các khu vực ở Trung Đông. Đặc biệt, việc Thổ Nhĩ Kỳ điều một tàu thăm dò khí đốt và tàu hải quân đến vùng biển tranh chấp với Hy Lạp ở Đông Địa Trung Hải hồi tháng 8 năm ngoái đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Athens và những nước còn lại trong EU. Các động thái gây sức ép từ phía thành viên EU nhằm đáp trả hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng biển tranh chấp làm leo thang căng thẳng giữa hai bên.

Trước bất đồng khó hóa giải này, hồi tháng 12-2020, lãnh đạo các nước EU nhất trí chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp trừng phạt đối với Ankara, gồm lệnh cấm cấp thị thực và đóng băng tài sản đối với các cá nhân Thổ Nhĩ Kỳ liên quan công tác thăm dò khí đốt ở Đông Địa Trung Hải. Việc EU rục rịch chuẩn bị “đòn trừng phạt” tiếp theo đã buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải chủ động mời Hy Lạp ngồi vào bàn đàm phán vào ngày 25-1 tới.

Trên thực tế, bất đồng này gây trở ngại lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ trong tiến trình đàm phán khi gia nhập EU. Căng thẳng EU - Thổ Nhĩ Kỳ leo thang đồng nghĩa với việc con đường gia nhập “ngôi nhà chung châu Âu” của Ankara trở nên khó khăn hơn. Sau khi nộp đơn xin gia nhập EU vào năm 1987, năm 1999, Thổ Nhĩ Kỳ mới được công nhận tư cách ứng cử viên. Và Ankara phải chờ đến năm 2015 để bắt đầu tiến trình đàm phán gia nhập EU. Từ đó đến nay, các cuộc đàm phán về vấn đề này gần như giẫm chân tại chỗ bởi giữa hai bên vẫn còn tồn tại nhiều mâu thuẫn.

Sau thỏa thuận tiếp nhận người tị nạn, Thổ Nhĩ Kỳ hiện là điểm dừng chân của 4,1 triệu người tị nạn, phần lớn đến từ Syria. Điều này đặt nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ trước sức ép nhất định, trong khi quyền lợi từ EU bị cho là không tương xứng. Các khoản tài trợ chẳng thấm tháp so với khoản tiền 40 tỷ USD Thổ Nhĩ Kỳ phải chi cho người tị nạn. Tuy nhiên, điều này cũng gây khó khăn hơn cho EU trong việc kiểm soát dòng người tị nạn qua Thổ Nhĩ Kỳ vào châu Âu, bởi Ankara vốn được coi là “chốt chặn”. Đó cũng là lý do vì sao một số nước EU lại mong muốn có cách tiếp cận với Thổ Nhĩ Kỳ mềm mỏng hơn.

Với vị trí chiến lược nằm giữa châu Âu và châu Á, Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác quan trọng của EU. Tại Hội nghị Thượng đỉnh EU hồi tháng 10-2020, sau nhiều giờ thảo luận, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định, EU mong muốn xây dựng quan hệ tích cực với Ankara.

Rõ ràng, Thổ Nhĩ Kỳ và EU còn tồn tại nhiều mối quan hệ lợi ích. Thế nên, Tổng thống R.Erdogan đã giảm bớt lập trường đối đầu của mình với EU và đề xuất mong muốn tạo ra một chương mới trong quan hệ với liên minh này. Thực tế, đã có những tín hiệu tích cực trong nỗ lực hàn gắn quan hệ giữa hai bên. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ và các quan chức EU sẽ tiến hành hoạt động ngoại giao con thoi hiếm hoi nhằm cải thiện mối quan hệ song phương vào cuối tháng này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ EU - Thổ Nhĩ Kỳ: Tín hiệu tích cực sau nhiều ''sóng gió''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.