Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ Anh - Ấn Độ: Nỗ lực vượt rào cản

Quỳnh Dương| 09/11/2016 06:21

(HNM) - Lựa chọn Ấn Độ là quốc gia đầu tiên để thực hiện chuyến thăm (từ ngày 6 đến 9-11) sau khi nắm giữ vai trò đứng đầu nội các, Thủ tướng Anh Theresa May đã cho thấy những thay đổi chiến lược mà xứ Sương mù hướng đến trong thời kỳ nước Anh không còn là thành viên Liên minh Châu Âu (EU).

Mục đích chính của nhà lãnh đạo 59 tuổi khi thực hiện chuyến công du Ấn Độ là tăng cường trao đổi kinh tế, đặt những nền tảng đầu tiên cho một dự án đầy tham vọng là ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa hai nước. Tuy nhiên, hiện Anh vẫn là thành viên EU nên chỉ khi nào quá trình đàm phán rời liên minh này (hay còn gọi là Brexit) hoàn tất (dự kiến năm 2019) mới có thể độc lập ký một văn bản thương mại như vậy. Nhưng những gì Thủ tướng T.May đang triển khai cho thấy, Luân Đôn không muốn chờ tới lúc Anh chính thức rời EU mới lựa chọn đường đi riêng.

Thủ tướng Anh T.May (trái) và người đồng cấp Ấn Độ N.Modi trong cuộc gặp tại New Delhi.



Việc Thủ tướng Anh chọn Ấn Độ là điểm đến đầu tiên ngoài Châu Âu không phải ngẫu nhiên. Anh - Ấn Độ có quan hệ lâu đời. Quốc gia Nam Á từng là thuộc địa lớn nhất của đế chế Anh. Tại xứ Sương mù hiện có một cộng đồng Ấn Độ đông đảo và có quyền lực kinh tế. Ấn Độ đứng thứ ba trong số các nhà đầu tư vào Anh, chỉ sau Mỹ và Pháp; là một trong 3 nguồn tạo ra việc làm nhiều nhất cho Anh với hơn 100.000 người làm việc ở các doanh nghiệp Ấn Độ tại đảo quốc sương mù.

Ngược lại, Anh cũng đứng thứ ba trong số các nhà đầu tư vào quốc gia Nam Á này. Ngoài ra, Ấn Độ là quốc gia đông dân thứ hai thế giới - với 1,2 tỷ dân - và một nền kinh tế năng động hàng đầu Châu Á. Tất cả những yếu tố đó khiến đất nước nằm bên bờ Ấn Độ Dương là lựa chọn hàng đầu cho hành trình mở rộng giao lưu thương mại của Luân Đôn thời kỳ hậu Brexit.

Tuy nhiên, thuyết phục được New Delhi về những cơ hội kinh tế trong một hiệp định thương mại tự do không dễ dàng, nhất là khi 10 năm qua hoạt động đàm phán về hiệp định này giữa Ấn Độ với EU vẫn giậm chân tại chỗ. Ít có khả năng Thủ tướng T.May và nội các thuyết phục được người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi nhượng bộ trên nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như trong ngành dịch vụ ngân hàng vốn được New Delhi áp dụng các biện pháp bảo hộ chặt chẽ.

Bên cạnh đó, chính sách nhập cư của đảng Bảo thủ Anh cũng có thể gây thêm khó khăn đối với đàm phán song phương. New Delhi đang muốn thương lượng để lao động Ấn Độ dễ dàng được cấp thị thực vào Anh hay Châu Âu, song Cựu lục địa luôn từ chối yêu cầu này.

Một hiệp định thương mại tự do bao giờ cũng là kết quả của cuộc đàm phán dài hơi và căng thẳng. Vì thế, nếu Anh coi việc đặt chân vào một thị trường khổng lồ đầy tiềm năng như Ấn Độ là ưu tiên thì ngược lại, Ấn Độ cũng sẽ thu được nhiều lợi ích khi bắt tay với một đối tác có trình độ công nghệ và quản lý cao như nước Anh.

Theo đánh giá của các chuyên gia, quốc gia Nam Á có đủ "sức nặng" cả về kinh tế lẫn chính trị để đạt được vị thế đàm phán ngang bằng, nếu không muốn nói là thuận lợi hơn so với nước Anh. Bởi lẽ, sau khi rời Châu Âu, nhu cầu tìm kiếm đối tác lớn trên thế giới của nước Anh sẽ nhiều hơn Ấn Độ. Chưa kể lâu nay, New Delhi luôn là một trong những đối tác được ưu tiên hàng đầu của mọi nền kinh tế lớn trên thế giới.

Nhiều nhận định cho rằng, quan hệ Anh - Ấn trong tương lai sẽ có những thay đổi tích cực, nhất là khi thúc đẩy tự do thương mại và xuất khẩu được coi là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Anh thời hậu Brexit. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu như Thủ tướng T.May đề ra, hai bên cần có nhiều nỗ lực để vượt qua các rào cản, đặc biệt là cần có sự thỏa hiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ Anh - Ấn Độ: Nỗ lực vượt rào cản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.