Xã hội

Quận Hà Đông: Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Tuấn Việt 21/10/2023 - 07:30

Với sự quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, 9 tháng năm 2023, kinh tế - xã hội của quận Hà Đông tiếp tục có bước phát triển ổn định. Công tác quản lý đô thị, bảo vệ môi trường, trật tự đô thị, an toàn giao thông đạt được những kết quả tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm.

ha-dong.jpg
Cơ quan chức năng quận Hà Đông tìm hiểu hoạt động kinh doanh của một cơ sở vay vốn tại phường Biên Giang.

Giá trị xuất khẩu tăng 14,76% so với cùng kỳ

Theo thống kê, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn quận Hà Đông 9 tháng năm 2023 giữ được nhịp độ tăng trưởng khá. Cụ thể, giá trị sản xuất ước đạt 28.291 tỷ 824 triệu đồng; tăng 10,98% so với cùng kỳ năm trước; bằng 73,98% kế hoạch năm. Trong đó, giá trị xuất khẩu ước đạt 94,392 triệu USD, tăng 14,76% so với cùng kỳ năm trước, đạt 73,64% kế hoạch năm, với các mặt hàng chủ yếu là hàng may mặc, mây tre đan, hàng thủ công mỹ nghệ và đồ chơi.

Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Bùi Xuân Hà cho biết, thời gian qua, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, quản lý đất đai tiếp tục được quan tâm và tăng cường quản lý trên địa bàn. Quận tiếp tục thực hiện nghiêm Đề án số 04-ĐA/QU ngày 9-11-2020 của Quận ủy Hà Đông về nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý đô thị, quản lý đất đai và vệ sinh môi trường giai đoạn 2020-2025; đôn đốc các phường tăng cường kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm, không để tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, gây mất mỹ quan đô thị.

UBND các phường cũng phối hợp với lực lượng Công an quận, Công an các phường đồng loạt ra quân xử lý nghiêm các vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị; tổ chức cho các hộ kinh doanh ký cam kết không sử dụng vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán. Với 103 cụm tòa chung cư trên địa bàn, quận tăng cường công tác quản lý; thành lập các đoàn kiểm tra giải quyết các bất đồng, tranh chấp tại những tòa nhà có những mẫu thuẫn nhằm ngăn chặn phát sinh mâu thuẫn trong quá trình hoạt động. Đồng thời, kịp thời chấn chỉnh các vi phạm nghiêm trọng, tránh để xảy ra tình trạng gây mất an ninh trật tự tại khu vực và trên địa bàn thành phố.
Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa tiếp tục được quận quan tâm, đặc biệt là công tác an sinh xã hội, lao động việc làm... góp phần nâng cao đời sống người dân.

Triển khai các giải pháp, hoàn thành nhiệm vụ năm 2023

Bên cạnh những kết quả tích cực, Hà Đông còn một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra, nhất là công tác thu ngân sách còn thấp. Vì thế, UBND quận đã đề ra nhiều giải pháp cho 3 tháng cuối năm, trong đó yêu cầu các phòng, ban, đơn vị bám sát Chương trình hành động số 02/CTr-UBND ngày 7-2-2023 của UBND quận, tiếp tục tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.

Về giải pháp tăng thu ngân sách, UBND quận sẽ bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Cục Thuế Hà Nội để triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu 3 tháng cuối năm, đặc biệt là các chính sách miễn, giảm thuế của trung ương chuẩn bị ban hành; xây dựng kịch bản thu sát thực tiễn theo từng tháng, quý. Ngoài ra, quận cũng triển khai các giải pháp quản lý thu, nhất là các khoản thu bền vững, còn tiềm năng; thường xuyên rà soát kịch bản thu, kịp thời có giải pháp tăng thu đối với các khoản thu có tiềm năng để bù đắp hụt thu các khoản thu khó khăn; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thu từ thuế đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, thương mại điện tử, cho thuê nhà, thuế xây dựng… bảo đảm thu đúng, thu đủ, không để thất thoát ngân sách nhà nước.

Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà cho biết, quận sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng lại, nâng cấp, cải tạo và mở rộng các chợ. Quận cũng sẽ đôn đốc các đơn vị quản lý chợ Mậu Lương, chợ La Cả, chợ Yên Phúc hoàn thiện các thủ tục theo quy định, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư; phấn đấu khởi công xây dựng chợ La Cả. Cùng với đó, quận sẽ giải tỏa triệt để các chợ cóc, chợ tạm, các tụ điểm kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị và không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh thương mại.

Cùng với đó, tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề truyền thống: Dệt lụa Vạn Phúc, rèn Đa Sỹ, mộc Thượng Mạo; khuyến khích phát triển các sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường thông qua việc thực hiện hiệu quả kế hoạch khuyến công, Chương trình OCOP năm 2023; phối hợp Sở Khoa học - Công nghệ hoàn thành nhiệm vụ bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho các làng nghề rèn Đa Sỹ, lụa Vạn Phúc.

Quận cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trọng tâm trên địa bàn theo đúng kế hoạch: Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây Hà Nội (Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa), Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, quốc lộ 6, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3,5, mở rộng và nâng cấp quốc lộ 21.

Về lĩnh vực y tế, quận sẽ duy trì và thực hiện công tác giám sát dịch sốt xuất huyết, tiếp tục triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công; triển khai kế hoạch và thực hiện các chỉ tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025; phấn đấu năm 2023 giảm ít nhất 20% số hộ cận nghèo và có thêm 6 phường không còn hộ cận nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quận Hà Đông: Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.