Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản chặt “đầu vào” để nâng chất lượng

Thống Nhất| 09/05/2014 06:47

(HNM) - Tại cuộc họp ban chỉ đạo thi và tuyển sinh thành phố Hà Nội ngày 8-5, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đặc biệt nhấn mạnh mục tiêu bảo đảm cho 100% học sinh (HS) tốt nghiệp THCS có nguyện vọng tiếp tục đi học đều được tuyển vào các trường.


Mỗi HS có 2 nguyện vọng vào trường công lập

Theo kế hoạch đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, năm học 2014-2015, Hà Nội vẫn duy trì phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển làm căn cứ để tuyển sinh vào lớp 10 của tất cả các trường THPT công lập và ngoài công lập trên địa bàn. Đây là phương thức đã được Hà Nội duy trì nhiều năm.

Các thí sinh làm bài thi tại Hội đồng thi Trường THPT Việt Đức. Ảnh: Viết Thành


Để bảo đảm quyền lợi cho mọi HS tham dự kỳ thi, Hà Nội quy định mỗi HS được đăng ký dự tuyển vào 2 trường THPT công lập trong cùng một khu vực tuyển sinh. Hai nguyện vọng (NV) này được xếp theo thứ tự là NV1 và NV2. HS đã trúng tuyển NV1 sẽ không được xét tuyển NV2. Theo kế hoạch, chỉ còn 1 tuần nữa là đến hạn nộp Phiếu đăng ký dự tuyển. Vì vậy, HS cần lưu ý cân nhắc và lựa chọn NV dự tuyển sao cho không chỉ phù hợp với NV mà cả năng lực của bản thân, tránh tình trạng đạt điểm khá cao mà không đỗ vào đâu như đã từng xảy ra ở các năm trước. Theo ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT), các trường THPT hiện nay có thể chia thành 3 nhóm. HS đạt học lực khá, giỏi, hạnh kiểm tốt trong cả 4 năm học có thể đăng ký NV vào các trường nhóm đầu, số còn lại tùy theo kết quả rèn luyện, học tập mà đăng ký vào nhóm trường vừa phải hoặc thấp hơn.

Nhằm tạo cơ hội trúng tuyển cao cho HS, Sở GD-ĐT sẽ công bố toàn bộ dữ liệu về lượng HS đăng ký dự tuyển vào từng trường, căn cứ vào thông tin này, HS có thể làm đơn xin thay đổi NV song chỉ được chuyển đổi NV vào 2 trường THPT trong cùng khu vực tuyển sinh đã đăng ký và không được thay đổi NV dự tuyển vào các lớp chuyên.

Ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT Hà Nội) khuyên HS trước khi đăng ký dự thi nên tham khảo kỹ phần điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 các năm học trước trong cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2014 - 2015", từ đó chọn 1 trường có điểm tuyển cao và 1 trường có điểm tuyển thấp. Khi thi nếu không đỗ NV1 thì còn NV2, và cần nhớ là để được nhập học NV2 thì HS phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn của trường ít nhất 1,5 điểm.

Siết chặt "đầu vào"

Để nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp THPT, việc siết chặt "đầu vào" được cho là giải pháp then chốt nên Hà Nội đã tính toán chi tiết, khoa học ngay từ khâu giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các nhà trường. Căn cứ để giao chỉ tiêu tuyển sinh hiệu quả là dựa vào lượng HS lớp 9 đang học tại các trường THCS, các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy- học (cơ sở vật chất, giáo viên…) của mỗi nhà trường trên cùng địa bàn, gồm cả trường công lập, ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp. Với chủ trương đa dạng hóa loại hình trường lớp, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đáp ứng mọi nhu cầu học tập của HS, số lượng chỉ tiêu HS giao cho từng loại hình trường cũng được tính toán kỹ dựa trên thực tế về mạng lưới trường học tại từng địa bàn cụ thể và các điều kiện phục vụ dạy - học. Ước tính, năm học 2014-2015, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường THPT công lập khu vực nội thành được giao không quá 60% so với tổng số lượng HS tốt nghiệp THCS; tỷ lệ này của các trường THPT công lập khu vực ngoại thành là không quá 70%; với các trung tâm giáo dục thường xuyên là khoảng 10%, 2-3% cho các trường trung cấp chuyên nghiệp, số còn lại là dành cho các trường THPT ngoài công lập.

Đây là năm đầu tiên Hà Nội ban hành quy định tạm thời về điều kiện tuyển sinh lớp 10 đối với các trường THPT ngoài công lập và áp dụng ngay từ kỳ tuyển sinh năm học 2014-2015. Để được phép tuyển sinh, mỗi trường phải bảo đảm đủ 5 tiêu chuẩn, nếu thiếu 1 trong 3 tiêu chuẩn quan trọng (tổ chức bộ máy và đội ngũ, tài chính, cơ sở vật chất) thì coi như không đạt yêu cầu và không được giao chỉ tiêu tuyển sinh năm nay. Số lượng chỉ tiêu giao cho từng trường cũng được rà soát sát với điều kiện dạy và học thực tế, tránh tình trạng không bảo đảm yêu cầu dạy - học mà vẫn tuyển HS; đăng ký trụ sở một nơi, tuyển sinh một nơi; hoặc một trường có tới 3-4 địa điểm tuyển sinh, gây khó khăn cho công tác quản lý và tổ chức dạy - học.

Nhằm có căn cứ cho việc quyết định giao chỉ tiêu, từ tháng 2 năm nay, Hà Nội đã thành lập các đoàn kiểm tra tại tất cả các trường ngoài công lập. Đến thời điểm này, danh mục các trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh, được phép tuyển sinh ở các địa điểm nào… đã được công bố. Đây được coi là động thái tích cực của Hà Nội nhằm huy động sự tham gia giám sát của xã hội trong việc thực hiện công tác tuyển sinh, góp phần tác động trực tiếp tới việc dạy và học ở các nhà trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản chặt “đầu vào” để nâng chất lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.