Sáng 15-4, UBND quận Ba Đình tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025.
Thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm luôn được Quận ủy, HĐND, UBND quận Ba Đình chỉ đạo sát sao, đặc biệt trong dịp Tết, lễ hội năm 2025. UBND quận đã huy động sự vào cuộc của toàn thể hệ thống chính trị quận cùng tham gia vào công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Công tác kiểm tra, thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được thực hiện thường xuyên.
Qua đó, trong nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn quận không ghi nhận trường hợp ngộ độc thực phẩm; công tác bảo đảm an toàn thực phẩm luôn được thành phố đánh giá cao.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nguy cơ mất an toàn thực phẩm vẫn còn tiềm ẩn ở một số nơi, đặc biệt tại các bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống, điểm bán hàng rong, thức ăn đường phố - nơi tiếp xúc trực tiếp với hàng nghìn người dân mỗi ngày.
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm nay với chủ đề “Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố” là dịp để quận Ba Đình tăng cường truyền thông, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm; đẩy mạnh thanh, kiểm tra, giám sát các bếp ăn tập thể trong trường học, cơ quan, xí nghiệp; nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố.
Để đạt được mục tiêu trên, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Cồ Như Dũng đề nghị các phòng, ban, ngành, đoàn thể và đơn vị tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tiếp tục đề cao vai trò trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Phát động phong trào toàn dân thực hiện tố giác vi phạm, tẩy chay các hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Nâng cao hiệu quả công tác tập huấn, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm tới các hộ kinh doanh; chủ động hướng dẫn các hộ kinh doanh thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm và các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm khi kinh doanh.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, đặc biệt đối với bếp ăn tập thể tại các trường học, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố…; kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm.
Nâng cao năng lực phòng ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền nhiễm lây qua thực phẩm, giảm thiểu rủi ro do thực phẩm không an toàn và duy trì hệ thống thông tin cảnh báo nhanh ngộ độc thực phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.