UBND thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố năm 2025.
Công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm nay tập trung vào 3 ngành: Y tế, Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương. Trọng tâm hậu kiểm gồm các hoạt động: Bảo đảm chất lượng thực phẩm; cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm; cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm; trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Qua đó tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ở các cấp để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Đồng thời đánh giá việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, nhập khẩu sản phẩm thực phẩm bổ sung và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; kiểm soát hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm và kiểm soát quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu và đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh mứt kẹo, rau, củ, quả và sản phẩm rau củ quả, thủy sản, sản phẩm thủy sản, phụ gia thực phẩm…
Đánh giá tình hình về an toàn thực phẩm đối với các nhóm thực phẩm lưu thông trên thị trường; việc cấp các loại giấy về an toàn thực phẩm.
Thông qua công tác hậu kiểm, ngăn chặn được cơ bản tình trạng sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn; hành vi vi phạm về quảng cáo thực phẩm; phát hiện, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.