Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quá tam… mười bận

Nữ Quỳnh| 17/01/2015 06:27

(HNM) - Trong 3 năm, đường ống nước sạch từ sông Đà về Hà Nội vỡ tới 10 lần. Những lần đầu xảy ra sự cố nhiều người ngỡ ngàng, không ít khách hàng sử dụng nước từ nguồn này lo lắng, bức xúc. Còn bây giờ, tới lần vỡ thứ mười thì tình hình có vẻ khác.


Kỹ sư trưởng dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc nói trên báo chí rằng "không bất ngờ" và vị này khẳng định "sự cố sẽ còn xảy ra". Còn với người dân thì sao? Một người nghe tin vỡ đường ống, bình thản nhấc máy điện thoại gọi mua một téc nước cho gia đình mình…

Thoạt nghe, câu chuyện nêu trên cũng bình thường. Nhưng phía sau cái sự "bình thường" từ hai cách nghĩ ấy có thể gợi lên nhiều điều đáng nghĩ.

Nhìn từ cuộc sống hằng ngày có thể thấy vỡ ống nước sông Đà là một sự cố nghiêm trọng. Cứ mỗi lần ống vỡ là cuộc sống của hơn 70.000 hộ dân ở Hà Nội bị đảo lộn. Năm ngoái, vỡ đến lần thứ 8, rồi thứ 9, Bộ Xây dựng kết luận "chủ đầu tư (Vinaconex) phải chịu trách nhiệm". Rồi một kế hoạch xây dựng đường ống thứ hai chạy song song với đường ống nhiều lần vỡ được định hình. Đơn vị chủ quản cam kết sẽ khởi công vào tháng 12-2014 để sớm đưa vào hoạt động. Thế nhưng đến nay, lời hứa ấy vẫn chưa thành hiện thực!

Còn cái đường ống vô tri đã vỡ đến lần thứ mười. Đến lúc này thì chắc không chuyên gia nào dám "mạnh mồm" nhận định ống sẽ không vỡ tiếp. Còn người dân thì sao? Nhiều người cho rằng nếu cứ vỡ lại vá như cách làm hiện nay thì chẳng khác gì "mua vải vá áo giấy". Một số người còn đặt câu hỏi: Tại sao công trình dân sinh quan trọng trị giá hàng nghìn tỷ đồng lại kém chất lượng đến thế? Và cho đến khi đường ống thứ hai hoạt động thì nó sẽ vỡ bao nhiêu lần nữa?

Từ lần vỡ trước, Bộ Xây dựng đã khẳng định "trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư". Vậy nhưng đến nay chủ đầu tư đã "chịu trách nhiệm" như thế nào thì chưa ai thấy. Người ta đổ lỗi cho địa chất, do nền đất yếu, do môi trường… nhưng nguyên nhân quan trọng đã được thanh tra kết luận liên quan đến chất lượng đường ống thì đến nay vẫn chưa thấy ai phải chịu trách nhiệm. Khi "chất lượng đường ống" không bảo đảm thì chuyện thỉnh thoảng lại vỡ là bình thường và chuyện hàng chục nghìn hộ dân không có nước sinh hoạt cũng sẽ trở thành bình thường.

Trong cuộc họp báo diễn ra ngày 14-7-2014, ngay sau khi xảy ra lần vỡ thứ chín, lãnh đạo Vinaconex (đơn vị chủ đầu tư đường ống) phát biểu rằng "Thật sự chúng tôi rất đau xót". Có vẻ như đến lúc này người dân đã thấu hiểu sự xót xa ấy của chủ đầu tư. Và chắc rằng họ đã không thể kiên nhẫn hơn được nữa, không ai có thể mãi chấp nhận những sự cố bất thường trở thành bình thường trong cuộc sống. Dân gian có câu "quá tam ba bận", thế nhưng quá đến 10 bận thì quả là quá sức chịu đựng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quá tam… mười bận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.