(HNM) - Thực hiện cai nghiện bắt buộc theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, từ năm 2015 đến nay, mới có 160 người ở Hà Nội đủ thủ tục vào trung tâm cai nghiện. Trong khi đó, theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, toàn thành phố hiện có hơn 14.000 người nghiện, có mặt tại cộng đồng là hơn 7.400 người.
Khám và điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện 09 Hà Nội. |
Những quy định chặt chẽ, cùng tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận người được giao nhiệm vụ đã khiến cho việc đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc gặp khó khăn.
Luật làm khó cơ sở
Bà Lê Thị H., xã Hải Bối (Đông Anh), có con mắc nghiện ma túy gần 3 năm nay. Nghe mọi người mách, cuối năm 2015 bà lên xã trình bày mong muốn của gia đình cho con đi cai nghiện theo diện bắt buộc. Bà H. cho biết: "Tôi đi năm lần bảy lượt mà vẫn không được, nhiều thủ tục lắm, hết tòa án lại sang ngành lao động rồi đến công an, cuối cùng lại yêu cầu phải được sự đồng ý của con tôi, nhưng nó đâu có nghe. Dù gia đình rất thiết tha cho cháu đi cai, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết".
Những băn khoăn của gia đình bà Lê Thị H. là nỗi niềm chung của các gia đình có con mắc nghiện ma túy đang mong muốn được đi cai nghiện theo diện bắt buộc. Tuy nhiên, nguyên nhân không phải do cán bộ "làm khó" mà rào cản ở đây chính là việc thay đổi các quy định pháp luật. Ngoài những thủ tục như bà Lê Thị H. trình bày, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, để đưa một người vào cai nghiện bắt buộc tại trung tâm, yêu cầu đối tượng đã đi cai nghiện tại cộng đồng và trải qua quá trình giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Trong khi đó, hiệu quả của cai nghiện tại cộng đồng chưa cao nên gia đình người nghiện không mặn mà với hình thức cai này.
Để tháo gỡ khó khăn trên, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu cho thành phố chỉ đạo các quận, huyện, xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy muốn đi cai nghiện làm văn bản đề nghị các trung tâm đóng trên địa bàn thành phố, gửi đối tượng vào cơ sở cai nghiện tự nguyện đã được cấp phép để cắt cơn sau đó đưa về quản lý sau cai tại nơi cư trú. Tuy nhiên, cách làm này chưa được các địa phương hưởng ứng. Mặt khác, trước đây chỉ cần xét nghiệm nhanh là đủ căn cứ kết luận có nghiện hay không, nhưng nay, người bị nghi nghiện phải nằm từ 1 đến 3 ngày để theo dõi các triệu chứng để cán bộ có thẩm quyền xác định. Nếu xác định sai, người nghi nghiện có quyền khởi kiện và người thực hiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chính vì quy định này mà hầu hết các địa phương gặp khó khăn trong việc xác định người nghiện bởi tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm ở không ít cán bộ làm công tác này. Thực tế trên dẫn đến việc khó hoàn thiện hồ sơ để đưa người nghiện đi cai.
Cần sự phối hợp đồng bộ
Một khó khăn nữa là trước đây, khi hoàn thành hồ sơ của đối tượng thì đưa đi cai ngay. Nhưng nay, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định việc thẩm định hồ sơ thuộc thẩm quyền của các ngành tòa án, LĐ-TB&XH, tư pháp, công an… Người nghiện có thời gian kiểm tra lại hồ sơ và có quyền khiếu nại nếu thấy không đúng. Ông Nguyễn Đình Hiền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH) thành phố cho biết: "Nỗi lo ngại nhất của các quận, huyện, thị xã khi đưa người đi cai nghiện bắt buộc là đối tượng thường bỏ đi sau khi nghe kết luận của tòa án.
Theo quy định hiện nay, sau khi tòa án ra quyết định, người bị tòa án đề nghị có thời gian 3 ngày để xem xét hồ sơ và nếu thấy không đúng có thể khiếu nại. Trong 3 ngày đó, đối tượng hoàn toàn được tự do ở nhà và thường chưa đến 2 ngày họ đã… "chạy" khỏi địa phương". Vì những bất cập trên nên trong 9 trung tâm cai nghiện của thành phố do Sở LĐ-TB&XH quản lý và 1 trung tâm do Thành đoàn quản lý có quy mô cai nghiện cho hơn 13.000 người/năm, nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ còn hơn 2.000 người đang cai.
Theo đánh giá của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, một vài năm trở lại đây, đối tượng nghiện mới phát sinh không nhiều. Tuy nhiên, để công tác cai nghiện bắt buộc đạt kết quả cao rất cần sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các ngành từ y tế, công an, lao động và các đoàn thể. Đặc biệt, cần làm tốt hơn công tác rà soát ban đầu của các địa phương để phát hiện chính xác người nghiện. Có xác định hồ sơ chính xác từ ban đầu thì các cơ quan chức năng mới dễ dàng thực hiện những công việc tiếp theo. Mặt khác, công tác cai nghiện và giáo dục tại cộng đồng cần được duy trì tốt hơn nữa, nếu không sẽ không đưa được đối tượng cần cai vào trung tâm cai nghiện bắt buộc.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đặng Văn Bất: Vì không có học viên nên một số trung tâm đang được đề nghị chuyển mục đích phục vụ. Điển hình như Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số VIII chuyển sang phục vụ đối tượng nhiễm chất độc da cam; Trung tâm Giáo dục hướng nghiệp thanh niên Hà Nội (thuộc Thành đoàn quản lý) đang đề nghị chuyển sang thành Trung tâm Hỗ trợ thanh thiếu niên, Trung tâm Quản lý sau cai nghiện ma túy số II đề nghị chuyển sang nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.