Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quả mùa này, hạt mùa sau!

Nhật Hà| 04/07/2016 07:34

(HNM) - Trong những ngày diễn ra EURO 2016 vừa qua, thể thao Hà Nội đã chính thức kết thúc các cuộc đấu Vòng loại Olympic 2016. Giành 8 vé trực tiếp tham dự Olympic 2016 cùng vô số kinh nghiệm cho các cuộc đấu trong tương lai, thể thao Hà Nội đã chứng tỏ được tiềm lực của mình.

*Bất ngờ và không bất ngờ với con số 8

Cách đây gần 2 năm, Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL Hà Nội đồng thời cũng là Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội Nguyễn Đình Lân chỉ khiêm tốn đặt ra mục tiêu giành ít nhất 6 vé, chứ không phải 10 vé tham dự Olympic 2016 cho thể thao Hà Nội như một số dự báo khác. Thậm chí, giành được 6 vé cũng khó bởi một số môn phải qua các cuộc đấu cụ thể, trực tiếp mới xác định được vé dự Olympic. Lúc ấy, chắc giành vé dự Olympic 2016 nhất chỉ có Cử tạ. Còn những môn như Vật, Đấu kiếm, Taekwondo đều thuộc diện 50-50. Nắm việc của thể thao Hà Nội như trong lòng bàn tay nên ông Nguyễn Đình Lân hiểu thực lực của thể thao Hà Nội đến đâu. Mà để hoàn thành chỉ tiêu ấy, thể thao Hà Nội đã phải chuẩn bị từ vài năm trước bên cạnh sự phối hợp cùng Tổng cục TDTT. Trong số này, những môn được “quy hoạch” giành vé dự Olympic 2016 như Vật, Cử tạ, Đấu kiếm, Thể dục dụng cụ, Taekwondo được đầu tư mạnh tay để bảo đảm cho VĐV không còn bối rối hay bỡ ngỡ khi bước vào Vòng loại Olympic 2016 nhất là ở khu vực Châu Á – nơi các VĐV Việt Nam có nhiều khả năng giành vé nhất. Thực tế, cũng có những cái khó nhất định về cơ chế, tổ chức để đầu tư trọn vẹn cho VĐV nhằm giúp họ toàn tâm toàn ý luyện tập cho mục tiêu Olympic. Nếu không có sự linh hoạt trong điều hành cũng như “máu” tự ái nghề của các những người chịu trách nhiệm cao nhất, các bộ môn, thì thể thao Hà Nội khó đầu tư cho VĐV. Quan trọng là cuối cùng, các bên đều tìm ra ra cách làm phù hợp để hoàn thành chỉ tiêu.

Kiếm thủ Nguyễn Thị Lệ Dung (trái) và người chị song sinh ở CLB đấu kiếm Hà Nội Nguyễn Thị Hoài Thu



Thế nên, khi các VĐV Vật, Đấu kiếm, Thể dục dụng cụ, Cử tạ Hà Nội giành tới 8 vé tham dự Olympic 2016, những người quản lý thể thao Hà Nội và chính những người trong cuộc đều khá bất ngờ. Giới chuyên môn đã phải dùng từ “ngoạn mục” khi đề cập đến việc thể thao Hà Nội giành tới 8 vé tham dự Olympic 2016, bảo đảm giành trên 30% vé của Đoàn thể thao Việt Nam. Trong số này, gây ấn tượng hơn cả vẫn là đội tuyển Đấu kiếm khi giành tới 4 vé (Nguyễn Thị Lệ Dung, Nguyễn Thị Như Hoa, Đỗ Thị Anh, Vũ Thành An), tạo nên kỳ tích trong làng thể thao Việt Nam. 4 năm trước, Đấu kiếm Hà Nội không giành được vé nhưng 4 năm sau lại khiến làng thể thao Việt Nam phải ngỡ ngàng. Môn Vật được hy vọng giành 1 vé cũng đã giành luôn 2 vé (Vũ Thị Hằng, Nguyễn Thị Lụa) trong sự bất ngờ của giới chuyên môn Châu Á. Còn những tấm vé từ Cử tạ - VĐV Vương Thị Huyền, Thể dục dụng cụ - Phạm Phước Hưng cũng trong dự báo. Trong số này, Vương Thị Huyền còn được kỳ vọng gây bất ngờ tại Olympic 2016, điều mà thể thao Hà Nội chưa bao giờ nghĩ đến tại các kỳ Olympic trước. Trong khi đó, các võ sĩ Taekwondo cũng suýt tái lập thành tích giành 1 vé dự Olympic như kỳ trước. Ở Vòng loại Châu Á, nữ võ sĩ Hà Thị Nguyên chỉ thiếu may mắn mới không thể giành được tấm vé góp mặt tại Olympic 2016.

Đội tuyển Vật Việt Nam về nước sau vòng loại Olympic 2016, khu vực Châu Á



Thế nhưng, nếu xâu chuỗi cả quá trình đầu tư dài hơi, bền bỉ của thể thao Hà Nội trong gần chục năm gần đây, sẽ chẳng có bất ngờ khi thể thao Hà Nội nhận được trái ngọt như thời gian qua. Nhiều người đã cho rằng, với nguồn kinh phí hơn hẳn nhiều tỉnh thành khác, việc lấy vé Olympic của thể thao Hà Nội dễ như trở bàn tay. Nhưng có bắt tay vào việc mới thấy nhiều cái khó. May cho thể thao Hà Nội là sở hữu đội ngũ quản lý bộ môn say nghề, trong đó có không ít người trẻ. Trong 4 môn giành vé dự Olympic 2016 của thể thao Hà Nội, có đến 3 môn mà các Chủ nhiệm đều nhận nhiệm vụ quản lý bộ môn khi mới qua tuổi 30. Ở môn Vật là Đới Đăng Hỷ - từng có sự nghiệp VĐV lẫy lừng rồi gây ấn tượng mạnh với khả năng quản lý khi giúp đội tuyển vật quốc gia “sóng yên bể lặng” sau thời gian dài luôn nổi sóng. Ở môn Đấu kiếm là Phạm Anh Tuấn – thuộc lứa VĐV đầu tiên của Đấu kiếm Hà Nội. Hay ở môn Cử tạ là Dương Thị Ngọc – cũng có sự nghiệp VĐV khá nổi tiếng rồi sau này cũng bộc lộ sự chắc tay trong quản lý. Họ biết cách vượt khó, chia sẻ khó khăn với đơn vị chủ quản , để “liệu cơm gắp mắm” qua đó giúp VĐV hưởng điều kiện tốt nhất về chuyên môn. Như ở môn Đấu kiếm, thầy trò gặp quá nhiều khó khăn để thực hiện mục tiêu giành vé dự Olympic 2016 trong đó phải lo đầu tư cho cả VĐV không thuộc nhóm trọng điểm của Tổng cục TDTT, lo trả lương cho chuyên gia dù chưa có cơ chế. Cuối cùng, sự đầu tư ấy cũng mang lại kết quả. 2 kiếm thủ không trọng diện trọng điểm là Nguyễn Thị Như Hoa, Đỗ Thị Anh đã giành vé dưới sự dẫn dắt của những chuyên gia nước ngoài từng không trong diện được thuê vì những hạn chế về số suất chuyên gia ở CLB.

*Gieo hạt cho tương lai

Cũng chính Nguyên Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội Nguyễn Đình Lân cách đây hơn 2 năm đã đề ra định hướng tung VĐV nhiều môn, nhiều nội dung ít có cơ hội giành vé dự Olympic vào các cuộc đấu loại Olympic 2016. Theo ông Nguyễn Đình Lân, vòng đấu loại Olympic chính là đấu trường khắc nghiệt nhưng lại là nơi rèn giũa tốt nhất cho VĐV. Có thể VĐV sẽ không giành vé dự Olympic nhưng họ sẽ có vốn kinh nghiệm đáng kể để hoàn thành các mục tiêu huy chương ở ASIAD 2018, SEA Games 2017 và 2019 cũng như giành vé ở vòng loại Olympic 2020, thậm chí xa hơn. Chính vì thế, thể thao Hà Nội không tiếc tiền cho VĐV tham gia những cuộc đấu kiểu này dù biết rằng khó, thậm chí không thể giành vé. Tốn kém kinh phí nhưng đổi lại là những giá trị chuyên môn khó đo đếm. Sau khi ông Nguyễn Đình Lân nghỉ hưu vào tháng 10 năm ngoái, định hướng này vẫn được áp dụng, kế thừa.

Tấm vé dự Olympic 2016 của Phạm Phước Hưng (giữa) có sự đóng góp không nhỏ của HLV kiêm Chủ nhiệm CLB TDDC Hà Nội Trương Tuấn Hiền (trái).



Thế nên, những VĐV Judo, Rowing, Bắn cung, Bắn súng, Boxing nữ, Cầu lông, điền kinh… và ngay nhiều VĐV trẻ ở các môn Vật, Cử tạ, Thể dục dụng cụ, Đấu kiếm, Taekwondo đã góp mặt ở Vòng loại Olympic 2016. Từ đó, thể thao Hà Nội suýt giành thêm tấm vé dự Olympic 2016 ở môn Bắn cung. Còn ở môn Điền kinh, Bùi Thị Thu Thảo chỉ kém 12cm so với chuẩn tham dự Olympic 2016 nội dung nhảy xa. Ở môn Cầu lông, bộ đôi Đỗ Tuấn Đức – Phạm Như Thảo cũng đã vào Top 70 để áp sát vị trí giành vé dự Olympic 2016 nội dung Đôi nam – nữ.

Chính từ những cuộc đấu này mà thể thao Hà Nội và Việt Nam có thể phát hiện thêm “cửa” giành vé dự Olympic lần sau cũng như cơ hội giành huy chương ở những kỳ cuộc khác như ASIAD, SEA Games. Tất cả bắt nguồn từ cách nghĩ, cách làm mang tính đường dài đã thành nếp ở thể thao Hà Nội trong nhiều năm qua. Nói chuyện “hái quả, gieo mầm” một phần cũng vì vậy.

Đấu kiếm suýt mất một vé dự Olympic 2016 từ 7 năm trước


Cách đây khoảng 7 năm, vì động lực thi đấu bị thử thách quá nhiều theo cách không đáng có, kiếm thủ Nguyễn Thị Lệ Dung đã đâm đơn nghỉ thi đấu cho thể thao Hà Nội. Tuy vậy, Trưởng Phòng Tổ chức của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội thể thao Hà Nội khi ấy là ông Hoàng Trung Kiên (nay là Phó Giám đốc Trung tâm) đã không đồng ý nhận đơn. Thông điệp được đưa ra là Nguyễn Thị Lệ Dung chỉ có thể ra đi với tư cách của một người chiến thắng, không chùn bước trước khó khăn. Cuối cùng, kiếm thủ số 1 Việt Nam nội dung Kiếm chém này đã ở lại để giành tấm vé dự Olympic 2016 và đang được xét vào biên chế thể thao Hà Nội.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quả mùa này, hạt mùa sau!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.