Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Quả bóng” trách nhiệm sẽ về đâu?

Bài,ảnh: Hoàng Minh| 06/10/2016 07:16

(HNM) - Mặc dù xác định rõ có hành vi lấn chiếm đất đai, nhưng UBND xã Ba Vì chưa có biện pháp xử lý dứt điểm để sự việc phức tạp hơn. Trong khi đó, người dân lại được hướng dẫn đến cơ quan khác giải quyết... Vai trò của chính quyền địa phương chưa rõ mà

Công trình xây trái phép trên đất đã có sổ đỏ của bà Nguyễn Mỹ Xuân vẫn chưa được phá dỡ.



Bà Nguyễn Mỹ Xuân (phường Trung Tự, quận Đống Đa) được UBND huyện Ba Vì cấp 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) từ năm 2011 với tổng diện tích 3.017m2 tại thôn Yên Sơn, xã Ba Vì. Đây là 2 thửa đất liền nhau, một cạnh giáp với ranh giới của Vườn Quốc gia Ba Vì. Đầu năm 2016, bà Xuân phát hiện phần đất của mình bị san ủi trái phép. Ngoài ra, bể nước, một phần tường bao, nhiều cây cối và 70 cọc bê tông sử dụng để rào mốc giới cũng bị phá. Ngay sau khi phát hiện, bà Xuân đã báo UBND xã Ba Vì, đề nghị có biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, phải đến tháng 5-2016, UBND xã Ba Vì mới có động thái xem xét. Trong các biên bản do Đồn Công an Tản Viên, UBND xã Ba Vì lập đều khẳng định trên phần đất của bà Xuân đã bị san ủi, có bờ kè được xây mới. Tuy nhiên, vi phạm đã không được UBND xã Ba Vì xử lý. 3 tháng sau, trên phần đất bị san ủi trái phép của bà Xuân xuất hiện thêm công trình chuồng trại do ông Triệu Văn Nguyên (thôn Yên Sơn, xã Ba Vì) xây dựng. Lúc này, UBND xã Ba Vì mới lập biên bản, yêu cầu ông Nguyên tự phá dỡ phần vi phạm. Nhưng ông Nguyên không chấp hành.

Căn cứ vào hồ sơ địa chính của xã, sổ đỏ của các bên liên quan, UBND xã Ba Vì đã tổ chức đo đạc, cắm mốc giới tại thực địa. Số liệu đo đạc của UBND xã Ba Vì cho thấy, trên phần đất đã cấp sổ đỏ của bà Xuân, ông Nguyên đã san ủi 463m2, xây 40m2 chuồng trại và xây kè tường bao dài 25,5m. UBND xã yêu cầu ông Nguyên tự tháo dỡ phần đã xây trên đất của bà Xuân trong thời hạn 7 ngày (kể từ ngày 2-9-2016), đồng thời phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, đến ngày 28-9, hộ ông Nguyên vẫn chưa tháo dỡ công trình, thậm chí còn tiếp tục tập kết vật liệu xây dựng và phá một số cột mốc do UBND xã Ba Vì phân chia ranh giới đất của bà Xuân.

Qua tìm hiểu của phóng viên, được biết ông Nguyên không chấp nhận yêu cầu tháo dỡ vi phạm vì không đồng ý số liệu đo đạc của UBND xã và cho rằng số liệu đó khác số liệu trong sổ lâm bạ mà ông đang giữ. Về việc này, ông Dương Trung Liên - Chủ tịch UBND xã Ba Vì cho rằng, sổ lâm bạ ông Nguyên nói đến đã hết hiệu lực từ năm 1993 (khi UBND xã có bản đồ địa chính - PV). Căn cứ bản đồ, hồ sơ địa chính UBND xã khẳng định, ông Nguyên đã lấn chiếm, xây dựng công trình trên đất của bà Xuân. Từ ngày nhận được đơn của bà Xuân, UBND xã đã tổ chức hòa giải 4 lần nhưng đều không thành. Sai phạm tuy đã rõ, nhưng người vi phạm không thừa nhận, không đồng ý với kết quả giải quyết của xã, nên xã không thể xử lý được. Hơn nữa, thẩm quyền của xã chỉ là hòa giải. Căn cứ theo Khoản 1, Điều 203, Luật Đất đai, UBND xã đã hướng dẫn bà Xuân chuyển đơn lên Tòa án nhân dân huyện Ba Vì hoặc cơ quan cấp cao hơn giải quyết…

Điều 166 và 208 Luật Đất đai năm 2013 nêu rõ, người sử dụng đất “được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình” và Chủ tịch UBND xã có trách nhiệm phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm; buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm… Nếu địa phương nào cũng như chính quyền xã Ba Vì, không giải quyết vi phạm ngay từ khi mới phát sinh, để rồi lại “đùn đẩy” cho cơ quan khác thì “quả bóng” trách nhiệm sẽ lăn đến đâu và người dân còn phải vất vả đến bao giờ?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Quả bóng” trách nhiệm sẽ về đâu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.