(HNM) - Trung tuần tháng 6-2013, Tổng Công ty Tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam (PVFC) và Ngân hàng Phương Tây (Western Bank) đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về nguyên tắc hợp nhất.
Theo PVFC, vốn điều lệ của ngân hàng hợp nhất là 9.000 tỷ đồng, ứng với 900 triệu cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Cổ đông cũ của hai bên sẽ được hoán đổi trở thành cổ đông sở hữu cổ phần của ngân hàng hợp nhất, được hưởng mọi quyền, lợi ích và có đầy đủ các nghĩa vụ với tư cách là cổ đông của ngân hàng hợp nhất. Trong thời gian từ ngày ký hợp đồng đến ngày hợp nhất, cả hai bên cam kết phải thực hiện hoạt động kinh doanh bình thường, duy trì và giữ vững cơ cấu tổ chức hoạt động, các cơ hội kinh doanh, kế thừa các mối quan hệ kinh doanh và bảo đảm quyền lợi của khách hàng, nhà cung cấp, tư vấn, đại lý, phân phối và các tổ chức, cá nhân khác. Đồng thời, cam kết bảo đảm quyền lợi người lao động, giữ vững hình ảnh, thương hiệu và bảo đảm an toàn tuyệt đối về tài sản mà cả PVFC và Western Bank đang có trước khi ký kết hợp đồng. Kể từ ngày hợp nhất, ngân hàng hợp nhất sẽ kế thừa tất cả quyền và nghĩa vụ của các bên theo các hợp đồng đã ký giữa PVFC, Western Bank và bên thứ ba trước ngày hợp nhất. Tất cả các khoản nợ, trách nhiệm, nghĩa vụ của PVFC và Western Bank có ngay trước ngày hợp nhất sẽ trở thành các khoản nợ, trách nhiệm, nghĩa vụ của ngân hàng hợp nhất theo đúng quy định. Western Bank ủy quyền cho PVFC là tổ chức tín dụng đại diện làm đầu mối trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện các thủ tục cần thiết để giao dịch hợp nhất. Để chuyển đổi thành công mô hình hoạt động, việc hợp nhất PVFC với Western Bank được xem là lựa chọn tối ưu trong điều kiện hiện nay. Nhằm thực hiện kế hoạch hợp nhất này, thời gian qua PVFC đã tích cực tái cơ cấu tổ chức, mô hình, mạng lưới, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị… Như vậy, sau khoảng một năm với nhiều thông tin đề cập, kế hoạch hợp nhất hai tổ chức tín dụng này đã được định hình cụ thể với sự xác nhận của cả hai bên. Việc hợp nhất của hai tổ chức này hy vọng sẽ tạo ra một ngân hàng hoạt động mạnh hơn, toàn diện hơn.
PVFC, tiền thân là Công ty Tài chính dầu khí, hoạt động từ tháng 6-2000 theo mô hình công ty 100% vốn nhà nước. Năm 2008, PVFC đã chuyển mô hình hoạt động sang mô hình công ty cổ phần với tên gọi Tổng Công ty Tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam. Với số vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng, PVFC đã trở thành một tổ chức tín dụng phi ngân hàng có số vốn điều lệ lớn nhất cả nước. Những năm sau cổ phần hóa, không những các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu của PVFC đều đạt mức cao, mà PVFC hoàn thành việc thu xếp nguồn vốn cho đầu tư phát triển của Petrovietnam. Đồng thời, tạo điều kiện để PVFC chủ động hợp tác với các tổ chức tài chính, ngân hàng lớn trong, ngoài nước nhằm bảo đảm nhu cầu về vốn cho Tập đoàn PVN cũng như các đơn vị thành viên triển khai các dự án đúng tiến độ và hiệu quả. Trong đó có các dự án: Đường ống dẫn khí lô B - Ô Môn có vốn đầu tư 540 triệu USD, kho nổi chứa dầu EPSO: 250 triệu USD, tàu chở dầu 150 triệu USD, Nhà máy Thủy điện Dakring 1.300 tỷ đồng…
Western Bank, tiền thân là Ngân hàng Cờ Đỏ được thành lập từ cuối năm 1988, hoạt động trên địa bàn TP Cần Thơ và chuyển đổi mô hình sang ngân hàng đô thị từ giữa năm 2007. Với định hướng phát triển ổn định, bền vững và từng bước xây dựng ngân hàng bán lẻ dựa trên công nghệ hiện đại, đến nay Western Bank đã tăng trưởng mạnh về tài chính, nhân sự và mạng lưới. Vốn điều lệ đạt 3.000 tỷ đồng vào đầu năm 2011, có gần 80 điểm giao dịch tại 20 tỉnh, thành phố trên cả nước. Western Bank được VietnamReport xếp trong VNR500 - Top 500 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2011; Top 1.000 DN đóng thuế thu nhập lớn nhất năm 2011 và nhiều thành tích khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.