(HNM) - Dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, loại hình vận tải hành khách bằng đường bộ cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân. Trong khi đó, với đường sắt, đường hàng không, dù đã tăng cường phương tiện, tăng chuyến song tình hình vẫn "nóng" khi nhiều người chọn mua trước Tết cả tháng mà vẫn khó tìm được vé ưng ý.
Đường bộ: Không được tùy tiện tăng giá vé
Ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội cho biết, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, đơn vị đã sớm xây dựng kế hoạch phân bổ lượng xe, tăng cường phương tiện. Theo đó, dịp Tết Dương lịch sẽ tăng cường 120 lượt xe tại 3 bến xe: Giáp Bát, Gia Lâm và Nước Ngầm. Còn trong dịp cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán sẽ tăng cường thêm 2.200 lượt chuyến. Trong đó, Bến xe Giáp Bát tăng cường 980 lượt xe; Bến xe Gia Lâm tăng cường 310 lượt xe và Bến xe Mỹ Đình tăng cường 910 lượt xe. Về cơ bản, lượng phương tiện đang hoạt động tại các bến cũng như xe tăng cường dự kiến sẽ đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của hành khách.
Nhằm phục vụ hành khách trong dịp Tết được thuận lợi, an toàn, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Hà cho biết, Sở đã yêu cầu các bến xe tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng các phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải; yêu cầu các nhà xe thực hiện nghiêm túc biểu đồ, lộ trình, thời gian chạy xe, tốc độ theo quy định, không dừng đỗ, đón trả khách sai quy định, chở quá số người so với tải trọng xe cho phép; tuyệt đối không uống rượu, bia, sử dụng chất kích thích trong thời gian làm việc... Các đơn vị kinh doanh vận tải không được tùy tiện tăng, phụ thu giá cước khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, theo kế hoạch của Ban điều hành Bến xe Miền Đông hiện nay (quận Bình Thạnh), dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, lượng khách tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu từ ngày 22 đến hết ngày 29 tháng Chạp (tức từ ngày 16-1-2020 đến hết ngày 23-1-2020). Trong đó, từ ngày 26 đến 28 Tết, lượng khách đến bến trung bình từ 53.000 đến 55.000 lượt/ngày. Ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó Tổng Giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết, bến đã chủ động bán vé sớm từ ngày 30 tháng Mười Một âm lịch đến hết ngày 26 tháng Chạp tại quầy và trực tuyến.
Đường sắt, hàng không: Vé còn nhiều nhưng khó tìm chỗ ưng ý
Trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, ngành Đường sắt bán ra 287.000 vé tàu. Theo đại diện Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, tính đến thời điểm này, có khoảng 185.000 vé tàu Tết đã được bán, hiện còn hơn 100.000 vé trên hệ thống bán vé trực tuyến. Tuy nhiên, nhiều người khi mua vé trực tuyến vẫn khó tìm được vé ưng ý. Khảo sát trên website bán vé tàu cho thấy, chặng từ thành phố Hồ Chí Minh về nhiều tỉnh thuộc khu vực miền Trung như: Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Trị... từ ngày 18-1-2020 đến ngày 22-1-2020 (tức từ ngày 24 đến 28 tháng Chạp) đều không đặt được vé do nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Trong khi, một số chặng dài như: Từ thành phố Hồ Chí Minh về Thanh Hóa, Hà Nội, Nam Định, cùng thời điểm trên vẫn còn nhiều ghế trống.
Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn (thuộc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn) cho biết, vé tàu Tết còn biến động do hành khách đặt chỗ nhưng chưa thanh toán. Vì thế, những người chưa có vé nên thường xuyên theo dõi trên hệ thống bán vé trực tuyến, hoặc liên hệ nhà ga để nắm thông tin.
Trong khi đó, dù các hãng hàng không đã tăng chuyến để cung ứng thêm vé bay dịp Tết và mở bán sớm cách đây vài tháng, nhưng đến nay, vé máy bay dịp Tết giá rẻ đã không còn. Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân dịp cao điểm này, Vietnam Airlines tiếp tục bổ sung 190.000 chỗ (tương đương gần 1.000 chuyến bay) trên các đường bay nội địa. Jetstar Pacific cũng tăng thêm gần 40.000 chỗ (tương đương hơn 220 chuyến bay nội địa). Như vậy, cùng với đợt mở bán vé Tết đã triển khai từ tháng 9-2019, đợt tăng tải này nâng tổng số chỗ toàn mạng nội địa của Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, VASCO) vào dịp Tết lên gần 2,23 triệu chỗ (tương đương gần 12.000 chuyến bay).
Dù tăng cường thêm nhiều chuyến bay, song khảo sát trên các trang bán vé máy bay trực tuyến cho thấy, trên chặng thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội vào ngày 20-1-2020 (tức ngày 26 tháng Chạp), giá vé máy bay vẫn còn nhiều loại nhưng mức giá thấp nhất của Vietnam Airlines vào khoảng 3,5 triệu đồng, vé hạng thương gia là 5,2 triệu đồng. Bamboo Airways có mức giá cao nhất trong tất cả các hãng hàng không khi vé bay hạng phổ thông là 3,6 triệu đồng, giá vé hạng Bamboo Business ở mức 6,1 triệu đồng, nhưng số lượng cũng chỉ còn chưa tới 10 ghế trong ngày 26 tháng Chạp. Ông Bùi Thanh Bình (phường 5, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Muốn mua vé về Hải Phòng dịp Tết Nguyên đán nhưng giá vé ngày 26 tháng Chạp của các hãng hàng không đều tăng, ít nhất là gấp rưỡi so với ngày thường. Vì vậy, đến giờ vẫn đắn đo chưa biết nên lựa chọn hãng nào...
Ở chiều ngược lại sau Tết, khách bay ngày 29-1-2020 (tức ngày 5 tháng Giêng), giá vé chặng Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh của Jetstar Pacific là 2,87 triệu đồng/vé. Vietnam Airlines và Vietjet Air có mức giá khoảng là 3,5 triệu đồng/vé.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.