Giao thông

“Xanh hóa” phương tiện giao thông

Tuấn Lương 02/09/2023 - 12:56

Trong thời gian qua, thành phố Hà Nội đã lần lượt đưa loại hình xe buýt điện, xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG và mới đây nhất là xe đạp đô thị vào hoạt động. Việc này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả mạng lưới vận tải hành khách công cộng, mà còn khẳng định nỗ lực của thành phố trong chuyển đổi sử dụng phương tiện "xanh", thân thiện với môi trường.

Những “cây xanh” di động

Được sự chấp thuận của UBND thành phố Hà Nội, ngày 24-8, Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam đã chính thức đưa mô hình xe đạp đô thị vào hoạt động thí điểm tại 79 điểm trạm trên địa bàn Thủ đô, với 1.000 phương tiện. Các trạm xe được bố trí gắn kết với các điểm dừng xe buýt, công viên, các điểm du lịch, bảo đảm cho người dân có thể đi bộ để tiếp cận dịch vụ thuận lợi. Chỉ sau tuần đầu khai trương, đã có gần 17.500 người đăng ký mới và hơn 9.220 chuyến đi hoàn thành.

“So với việc di chuyển bằng phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy, việc đạp xe với số chuyến đi hoàn thành kể trên giúp giảm khoảng 2.844kg khí thải CO2 ra môi trường, tương đương với khả năng hấp thụ của 135 cây xanh” - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam Đỗ Bá Dân thông tin.

Nếu như xe đạp công cộng được đánh giá là “mảnh ghép” nhỏ cho mục tiêu lớn là góp phần kết nối và hoàn thiện mạng lưới giao thông công cộng, hỗ trợ người dân di chuyển với cự ly ngắn trong khu vực trung tâm đô thị, thì các tuyến xe buýt điện do Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus đang vận hành đã khẳng định tính ưu việt của giao thông “xanh”.

Kể từ tuyến buýt điện đầu tiên được chính thức đưa vào vận hành (tháng 12-2021), đến nay, Vinbus đã có 9 tuyến kết nối các khu vực đô thị Hà Nội với 153 phương tiện hoạt động. Tuyến thứ 10 đang được triển khai, kết nối trung tâm thành phố Hà Nội với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Tổng Giám đốc Vinbus Nguyễn Công Nhật chia sẻ: “Khi chúng tôi đưa các tuyến buýt điện vào vận hành, có rất nhiều ý kiến nghi ngại. Còn hiện tại, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến tích cực. Từ người sử dụng xe buýt điện cho tới người đi đường đều cảm nhận được việc giảm ô nhiễm môi trường. Bởi theo ước tính, một lít dầu diesel thải ra 2,32kg CO2. Với một xe buýt dùng nhiên liệu này chạy khoảng 250-300km/ngày sẽ thải ra khoảng 6 tấn CO2/tháng. Nếu quy đổi lượng CO2 mà một cây xanh hấp thụ trong một năm, thì việc chuyển đổi một xe buýt sang sử dụng điện tương đương với trồng 3.000 cây xanh. Đây là con số rất giá trị".

Nỗ lực chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng sạch

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, Thủ đô Hà Nội với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính, văn hóa, kinh tế, giáo dục đào tạo và khoa học kỹ thuật của cả nước, luôn đặt ra mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Trong những năm qua, thành phố đã không ngừng đầu tư, cải tiến hạ tầng giao thông, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và năng lượng sạch trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các bon và khí mê tan đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22-7-2022, thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng vào việc chuyển đổi, phát triển các loại hình phương tiện thân thiện với môi trường. Giải pháp sử dụng xe buýt điện, xe đạp công cộng sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu chung của thành phố, tạo ra bước ngoặt trong quá trình xây dựng hệ thống giao thông xanh, từng bước hạn chế phương tiện cá nhân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần xây dựng Thủ đô xanh - văn minh - hiện đại.

Những “viên gạch” đầu tiên trong hành trình chung tay xây dựng giao thông xanh đã có. Song để nhân rộng, chuyển đổi phương tiện xanh với số lượng lớn, nhiều khó khăn, thách thức đã xuất hiện, đặc biệt là vấn đề nguồn vốn đầu tư và cơ chế hoạt động. Bởi theo tính toán, suất đầu tư của một xe buýt điện gấp 3,2 đến 4 lần so với một xe buýt chạy dầu diesel.

Ủng hộ chủ trương của Chính phủ và thành phố Hà Nội trong việc thực hiện chuyển đổi giao thông “xanh”, Tổng Giám đốc Vinbus Nguyễn Công Nhật cho rằng, để “xanh hóa” mạng lưới phương tiện công cộng, đòi hỏi chính sách phải phù hợp với tất cả các doanh nghiệp tham gia. Do đó, rất cần những “cú hích” hỗ trợ từ Nhà nước, có cơ chế trợ giá trực tiếp cho những đơn vị, doanh nghiệp và con người, tạo ra giá trị cho mục tiêu giảm phát thải.

Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết, Hà Nội có 132 tuyến buýt trợ giá với hơn 2.000 xe buýt, trong đó có 277 xe điện và xe sử dụng nhiên liệu sạch CNG, chiếm 13,6% tổng số phương tiện. Tỷ lệ "xanh hóa" phương tiện giao thông này là sự cố gắng, nỗ lực của cả doanh nghiệp và thành phố. Đặc biệt, các tuyến buýt điện do Vinbus vận hành còn là những tuyến buýt điện đầu tiên của Đông Nam Á. Như vậy, Hà Nội đã đi trước so với kế hoạch trong Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo cam kết tại COP26 (Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu) và Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2025 trở đi, tất cả phương tiện buýt đầu tư mới sẽ là buýt điện, xe buýt xanh. Từ năm 2050, tất cả xe buýt phải là xe xanh. Để thực hiện cam kết này, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã xây dựng và báo cáo UBND thành phố về các cơ chế, chính sách và lộ trình phù hợp dần thay thế phương tiện xe buýt hiện nay trên nguyên tắc bảo đảm tính khả khi, không làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Xanh hóa” phương tiện giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.