Môi trường

Phục hồi lại chất lượng nước, môi trường và cảnh quan 4 con sông nội đô Hà Nội

Thu Hằng 22/08/2023 - 18:14

Chiều 22-8, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội phối hợp với Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức tọa đàm: Làm “sống lại” 4 con sông nội đô: Tô Lịch - Kim Ngưu - Lừ - Sét.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Thanh nêu rõ, việc phục hồi lại chất lượng nước, môi trường và cảnh quan 4 con sông nội đô thuộc khu vực trung tâm thành phố Hà Nội là một trong những nhiệm vụ của Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII nhiệm kỳ 2020-2025 về xử lý vấn đề môi trường.

Công tác cải thiện chất lượng nước sông, đặc biệt là các quận nội đô của Thủ đô đã được thành phố quan tâm, chỉ đạo. Một số dự án đã, đang được thực hiện để góp phần cải thiện ô nhiễm các con sông này, trong đó có Đề án: “Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét” do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xây dựng năm 2022.

3(3).jpg
GS.TS Trần Đức Hạ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước Việt Nam trình bày dự thảo Đề án.

PGS.TS Trần Thị Việt Nga, Trưởng khoa Kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và GS.TS Trần Đức Hạ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước Việt Nam nhận xét, thời gian qua, dù thành phố có rất nhiều nỗ lực nâng cao hiệu quả thoát nước và cải thiện chất lượng nước 4 con sông nội đô, tuy nhiên, quá trình thực thi, tổ chức điều hành các chương trình, dự án còn thiếu tính chủ động, chưa tích hợp trong xây dựng cơ chế, chính sách để huy động hiệu quả hơn từ các nguồn lực xã hội. Đặc biệt là nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng môi trường chưa đồng bộ, thiếu tính dự báo, chưa đáp ứng kịp thời so với thực tiễn phát triển của thành phố; nhiều giải pháp về phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước hệ thống sông nội đô chưa toàn diện và bền vững.

8(2).jpg
Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam Đồng Xuân Thụ phát biểu tại tọa đàm.

Để giải quyết các vấn đề trên, Đề án kiến nghị cần có cách tiếp cận tổng hợp và đồng bộ trên các lĩnh vực: Điều chỉnh quy hoạch thoát nước phù hợp với quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2050; xây dựng hệ thống hạ tầng quản lý nước thải đô thị, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu thu gom và xử lý nước thải của thành phố nhằm kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường nước mặt 4 con sông; đề xuất giải pháp cải tạo chỉnh trang không gian kiến trúc cảnh quan dọc sông nhằm phục hồi vai trò của hệ thống sông gắn với các giá trị sinh thái, lịch sử, văn hóa và con người, phù hợp và đóng góp cho sự phát triển xanh và bền vững của Thủ đô Hà Nội.

Đề án đã đưa ra những giải pháp thực hiện từ cơ chế, chính sách đến khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế, xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, giải pháp tài chính và nhiều giải pháp hỗ trợ trong tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường.

1(6).jpg
PGS.TS.Nguyễn Hồng Tiến nêu đề xuất.

Tại tọa đàm, các nhà quản lý, nhà khoa học đã đưa ra nhiều góp ý cho dự thảo đề án. PGS.TS.Nguyễn Hồng Tiến, Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ quy hoạch, quản lý xây dựng và phát triển đô thị, bảo vệ môi trường Hà Nội đánh giá phương pháp nghiên cứu của Đề án rất khoa học, điều tra khảo sát công phu. Để đề án có tính khả thi cao, ông đề xuất cần làm rõ các vấn đề như: Làm gì để huy động các nguồn lực; làm rõ tính khả thi của việc bổ cập nước cho sông Sét và sông Lừ từ sông Tô Lịch; Công nghệ mới nào để lọc nước thải... Đặc biệt, ngoài yếu tố hiệu quả về kinh tế - xã hội và môi trường cần phân tích thêm yếu tố nguy cơ và rủi ro khi thực hiện Đề án.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phục hồi lại chất lượng nước, môi trường và cảnh quan 4 con sông nội đô Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.