(HNM) - Hiện nay, nguồn nước mặt sông Nhuệ, sông Đáy đang bị ô nhiễm bởi lượng lớn nước thải sinh hoạt, làng nghề, công nghiệp… chưa qua xử lý xả ra. Tình trạng này không chỉ gia tăng ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân sinh sống hai bên bờ sông.
Những ngày đầu tháng 11-2022, quan sát dọc sông Nhuệ từ cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) xuống xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì)…, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy nước sông Nhuệ đặc sánh mà đen, bốc mùi khó chịu. Bà Nguyễn Thị Lan - người dân xã Tả Thanh Oai cho biết, nhà ở cách sông Nhuệ gần 100m nhưng mùi hôi thối vẫn xộc vào, ảnh hưởng đến cuộc sống của cả gia đình.
Tương tự, nguồn nước sông Đáy cũng bị ô nhiễm tới mức báo động. Ông Lý Đình Quang - người dân xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) cho biết: Từ nhiều năm qua, hệ thống thoát nước thải sinh hoạt, nước thải làng nghề ở xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai), xã Cát Quế, Dương Liễu, Minh Khai (huyện Hoài Đức) chảy trực tiếp ra sông Đáy gây ô nhiễm.
Báo cáo kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội công bố tháng 8-2022 cho thấy, hàm lượng chất hữu cơ, vô cơ có trong nước mặt sông Đáy đều vượt quy chuẩn Việt Nam về môi trường... Cụ thể: Amoni vượt 1,49 lần, Nitrit vượt 3,24 lần, khuẩn E.coli vượt 1,3 lần quy chuẩn.
Ngoài ra, nước sông Nhuệ, sông Đáy bị ô nhiễm còn tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, làm giảm năng suất, chất lượng cây trồng… Nguyên nhân chính khiến hệ thống nước sông Nhuệ, sông Đáy bị ô nhiễm là do hai bên lưu vực sông có 1.535 điểm xả nước thải chưa qua xử lý. Từ tháng 10 đến tháng 12 hằng năm, nước sông Nhuệ, sông Đáy cạn kiệt và không được bổ sung nguồn từ sông Hồng để tự làm sạch hoặc rửa trôi tạp chất khiến chất lượng nước suy giảm mạnh, ô nhiễm gia tăng.
Từ thực tế trên, hằng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đều có văn bản kiến nghị các sở, ngành thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt, làng nghề tại lưu vực hai dòng sông.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, thành phố đã giao các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đánh giá mức độ ô nhiễm để xây dựng kế hoạch xử lý, cải tạo chất lượng nước các sông trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, các đơn vị chuyên môn của Sở Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng kế hoạch triển khai “Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”; lập đề án phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét và cải tạo môi trường nước sông Nhuệ, sông Đáy.
Đặc biệt, các đơn vị của thành phố đã và đang triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải và nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, thành phố ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, sinh hoạt, làng nghề như: Xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở công suất 200.000m3/ ngày - đêm, Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá công suất 275.000m3/ngày - đêm…; tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý nước thải làng nghề tại các xã: Sơn Đồng, Vân Canh (huyện Hoài Đức), Thanh Thùy (huyện Thanh Oai) và các cụm, khu công nghiệp; kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc để bổ sung nguồn nước vào sông Nhuệ, tạo dòng chảy, giảm ô nhiễm; nạo vét lòng dẫn sông Đáy (giai đoạn 2).
Triển khai quyết liệt các giải pháp này sẽ góp phần giảm ô nhiễm sông Nhuệ, sông Đáy, cải tạo cảnh quan và góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.