(HNM) - Chưa đầy 1 tháng sau khi nhận được thống kê về tình trạng suy thoái kép trong quý I-2021, châu Âu lại đứng trước nỗi lo bất ổn về tài chính thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Đây có thể là những rào cản lớn đối với nỗ lực phục hồi của Cựu lục địa trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát.
Ngày 19-5 vừa qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đưa ra cảnh báo, các biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ nhằm đẩy lùi cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ đại dịch Covid-19 đang làm gia tăng tình trạng mất cân bằng tại Eurozone. Điều đó tiềm ẩn rủi ro khi khu vực này thoát khỏi đại dịch với gánh nặng nợ và “bong bóng” lợi suất cũng như trái phiếu phình to.
Theo ECB, trong thời gian tới thị trường chứng khoán Mỹ có thể sẽ gây ra những tác động lớn nếu nước này thắt chặt chính sách tiền tệ làm lợi suất trái phiếu tăng. Ngoài ra, tình hình đại dịch vẫn diễn biến phức tạp cũng sẽ là nguyên nhân gây mất ổn định ở nhóm các nước sử dụng đồng euro, trong đó có những nền kinh tế dễ bị tổn thương như Hy Lạp, Italia, Bồ Đào Nha.
Thống kê gần đây cho thấy, nợ công của Chính phủ Hy Lạp đã vượt quá 200% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong khi Italia là 150%, Bồ Đào Nha là 130%. Những nước như Pháp, Tây Ban Nha... nợ công đều vượt 100% GDP.
Quý I-2021, Eurozone đã rơi vào suy thoái kép. Đây là đợt suy thoái thứ hai của khu vực này trong vòng chưa đầy một năm. Việc triển khai tiêm chủng chậm trễ so với kế hoạch cùng với thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 được cho là nguyên nhân làm giảm đà phục hồi của định chế tài chính gồm 19 nước thành viên. Trong số các nước trong khu vực, “đầu tàu” kinh tế của châu Âu là Đức có GDP giảm tới 1,7%. Chi tiêu gia đình là hạng mục chịu ảnh hưởng nặng nhất, trong khi xuất khẩu hàng hóa là “phao cứu sinh” cho các nền kinh tế.
Nhiều chuyên gia tài chính nhận định, đại dịch sẽ để lại những “vết sẹo” khó lành cho nền kinh tế Eurozone, khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và các doanh nghiệp rơi vào làn sóng phá sản. Việc Liên minh châu Âu (EU) tạm ngừng các quy định về tài khóa trong thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi để chính phủ các nước thành viên tung ra các gói cứu trợ, nhằm hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với nền kinh tế. Ðức vốn là quốc gia tuân thủ chặt chẽ các quy định về cân bằng ngân sách cũng đã đưa ra những gói kích thích kinh tế khổng lồ. Trong khi đó, các nước khác như Pháp, Bỉ, Italia cũng mạnh tay chi tiêu cho hoạt động chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế phục hồi.
Các nhà lãnh đạo Eurozone hy vọng, khi chương trình tiêm vắc xin phòng Covid-19 được đẩy mạnh, các nước trong khu vực gỡ bỏ lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội, các nhà hàng, khách sạn và dịch vụ có thể hoạt động trở lại vào mùa hè này. Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cũng dự đoán nền kinh tế sẽ trở lại mức trước khủng hoảng vào cuối năm nay.
Theo đánh giá của các cơ quan y tế, tiến độ tiêm chủng tại Eurozone đang gần bằng Mỹ và Anh. Trong khi đó, kế hoạch phục hồi kinh tế đầy tham vọng của EU được đẩy mạnh. Gói tài chính trong khuôn khổ kế hoạch phục hồi bao gồm ngân sách dài hạn cho giai đoạn 2021-2027 trị giá 1.100 tỷ euro và một gói phục hồi trị giá 750 tỷ euro. Ngoài việc hỗ trợ các nước khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, gói ngân sách trên sẽ giúp các quốc gia thành viên EU thực hiện chuyển đổi thông qua nhiều chính sách lớn như thỏa thuận phát triển xanh, cách mạng số và phát triển bền vững...
Với cảnh báo của ECB, trong thời gian tới, các nhà lãnh đạo EU và Eurozone chắc chắn sẽ cần có những biện pháp hiệu quả để kiểm soát nguy cơ mất cân bằng, giảm thiểu những rủi ro cho nền kinh tế vốn đang rất mong manh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.