Nông nghiệp - Nông thôn

Phú Túc – sức sống hơn 300 năm của làng nghề cỏ tế giữa lòng Thủ đô

Bạch Thanh 07/10/2024 - 09:29

Hà Nội mùa thu luôn mang một vẻ đẹp dịu dàng, bình yên mà không kém phần rực rỡ. Trong không khí nô nức của những ngày kỷ niệm Giải phóng Thủ đô 10-10, từ hồ Gươm phẳng lặng đến hồ Tây lộng gió, khắp các con đường, ngõ phố vang lên âm thanh của niềm vui chiến thắng.

Ẩn sau sự nhộn nhịp ấy, các làng nghề truyền thống của Thủ đô, trong đó có làng nghề cỏ tế Phú Túc, huyện Phú Xuyên, vẫn âm thầm và lặng lẽ góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, làm nên nét đẹp bền bỉ của Hà Nội hôm nay.

Từ di sản văn hóa đến động lực phát triển kinh tế

Làng nghề cỏ tế Phú Túc không chỉ là một di sản văn hóa quan trọng của Hà Nội mà còn là minh chứng cho sức sống bền bỉ của làng nghề thủ công Việt Nam. Với lịch sử hình thành và phát triển hơn 300 năm, nghề đan cỏ tế tại Phú Túc bắt nguồn từ cuối thế kỷ 17 khi bà Nguyễn Thảo Lâm mang cây cỏ tế về làng Lưu Thượng. Chính bà là người đã tìm ra cách chế biến và xử lý cỏ tế để tạo nên các vật dụng phục vụ cuộc sống hằng ngày.

phu-tuc-7.jpg
Sản phẩm của làng nghề xã Phú Túc ngày càng đa dạng mẫu mã. Ảnh: Sơn Tùng.

Từ đó, nghề đan cỏ tế lan rộng không chỉ trong làng mà còn vươn xa ra các vùng lân cận, với sản phẩm thủ công mỹ nghệ đa dạng, tinh xảo. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, đến nay Phú Túc vẫn là một trong những làng nghề thủ công lớn mạnh của Hà Nội. Đặc biệt, sau khi được UBND Hà Tây (nay là Hà Nội) công nhận 8 làng nghề cổ truyền vào năm 2001 và tiếp tục được công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2023, Phú Túc đã bước vào một giai đoạn phát triển mới, vững chắc hơn với sự cải tiến cả về kỹ thuật và mẫu mã.

Bên cạnh giá trị văn hóa, nghề cỏ tế Phú Túc còn mang lại giá trị kinh tế lớn. Hiện nay, Phú Túc có 8 thôn với hơn 10.000 nhân khẩu, trong đó khoảng 65% người dân tham gia vào các hoạt động sản xuất thủ công. Gần 1.700 hộ kinh doanh cá thể và 20 công ty lớn nhỏ đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, không chỉ trong xã mà còn từ các địa phương lân cận.

phu-tuc1.jpg
Diện mạo xã nghề Phú Túc trù phú hôm nay. Ảnh: Sơn Tùng

Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 69,2 triệu đồng/người/năm, một con số ấn tượng thể hiện sự phát triển bền vững của làng nghề. Các sản phẩm từ cỏ tế của Phú Túc đã được thành phố Hà Nội công nhận với 8 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao, nâng cao giá trị thương hiệu cho làng nghề.

phu-tuc8.jpg
Ở xã Phú Túc, người làm nghề không phân biệt già trẻ, trai gái, ai cũng thuần thục, yêu nghề truyền thống quê hương. Ảnh: Sơn Tùng

Đặc biệt, sản phẩm từ cỏ tế Phú Túc không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế, như Đài Loan, Nhật Bản, các nước châu Âu và Trung Đông. Những sản phẩm như giỏ đan, nón lá, và các vật dụng trang trí bằng cỏ tế đã giúp khẳng định thương hiệu của làng nghề trên thị trường thế giới. Nghệ nhân Trần Thị Thảo Yên, một trong những thợ trẻ tài năng của làng, chia sẻ: "Chúng tôi không chỉ giữ gìn truyền thống mà còn tìm cách đổi mới để phù hợp với thị trường hiện đại. Sản phẩm của làng nghề phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, nhưng đồng thời vẫn giữ được nét tinh hoa của làng nghề truyền thống".

Trải nghiệm du lịch làng nghề độc đáo

Tháng 10 này, xã Phú Túc vinh dự trở thành điểm đến du lịch làng nghề của thành phố Hà Nội, hứa hẹn mang đến cho du khách một hành trình khám phá đầy thú vị. Đến với làng nghề cỏ tế, du khách sẽ được đắm mình trong không gian yên bình, nơi những giá trị văn hóa truyền thống vẫn còn nguyên vẹn.

Qua cánh cổng làng sừng sững, du khách như bước vào một thế giới khác, nơi thời gian dường như chậm lại, để có thể tận hưởng không gian làng quê với những con ngõ nhỏ, những phiên chợ nhộn nhịp và các đình, miếu mang đậm dấu ấn lịch sử.

phu-tuc21.jpg
Qua cánh cổng làng sừng sững, du khách như bước vào một thế giới khác, nơi thời gian dường như chậm lại. Ảnh: Sơn Tùng

Tại đây, du khách sẽ có cơ hội chứng kiến tận mắt quá trình sản xuất thủ công các sản phẩm tinh xảo từ cỏ tế. Nghệ nhân Nguyễn Văn Đức chia sẻ: "Chúng tôi luôn chào đón du khách đến với làng nghề. Mỗi sản phẩm không chỉ là công việc của cá nhân mà còn là tâm huyết của cả cộng đồng, nhằm giữ gìn và phát huy giá trị của nghề truyền thống".

phu-tuc5.jpg
Đình làng Lưu Thượng, là một trong những điểm tham quan hấp dẫn khi đến với điểm du lịch làng nghề xã Phú Túc. Ảnh: Sơn Tùng

Theo ông Nguyễn Văn Viễn, Trưởng thôn Lưu Thượng, làng nghề của thôn ngày nay vẫn duy trì những nét đẹp truyền thống từ bao đời. “Đình làng Lưu Thượng, nơi thờ Thành Hoàng làng và cụ tổ nghề, được xây dựng từ rất lâu đời và đã trải qua nhiều lần tu sửa. Gần đây nhất, đình được tu sửa vào năm 1937, không chỉ là nơi thờ tự linh thiêng mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa, thể hiện tinh thần đoàn kết của dân làng".

phu-tuc3.jpg
Giếng làng, điểm nhấn làm đẹp làng quê. Ảnh: Sơn Tùng

Bên cạnh việc tham quan làng nghề, du khách còn có thể tham gia vào các hoạt động trải nghiệm độc đáo như tự tay làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, khám phá khu ẩm thực địa phương tại cánh đồng soi thôn Lưu Đông hay ghé thăm các điểm du lịch tâm linh như đình, miếu thôn Lưu Xá và Tư Sản...

Theo ông Trần Văn Khiêm, Chủ tịch UBND xã Phú Túc, địa phương đã có nhiều nỗ lực để phát triển làng nghề thành một điểm du lịch hấp dẫn. “Chúng tôi đang phối hợp với các cấp chính quyền để hoàn thiện hạ tầng phục vụ du lịch. Đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn có sự hỗ trợ từ huyện và các ngành để địa phương sớm hoàn thành xây dựng chợ, bãi đỗ xe... vừa đáp ứng nhu cầu dân sinh của người dân địa phương vừa kết nối phát triển du lịch, dịch vụ hiệu quả".

phu-tuc6.jpg
Sau mỗi cánh cổng nhà là những người thợ cần mẫn với nghề. Ảnh: Sơn Tùng

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên, cũng nhấn mạnh: “Huyện đã triển khai nhiều chiến dịch quảng bá du lịch làng nghề qua các kênh truyền thông và tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng cho người dân địa phương. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng và khuyến khích các nghệ nhân sáng tạo những sản phẩm lưu niệm độc đáo để thu hút du khách".

Làng nghề Phú Túc không chỉ là một di sản văn hóa mà còn là động lực phát triển kinh tế của địa phương. Trong dòng chảy hội nhập và phát triển, các làng nghề truyền thống như Phú Túc đã và đang khẳng định vị trí của mình trong bức tranh chung của Thủ đô. Và trong những ngày mùa thu này, khi Hà Nội kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô, làng nghề cỏ tế Phú Túc lại tỏa sáng, như một phần không thể thiếu của mảnh đất ngàn năm văn hiến – nơi lưu giữ và phát huy những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Túc – sức sống hơn 300 năm của làng nghề cỏ tế giữa lòng Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.