(HNM) - Thời gian qua, hàng loạt vụ việc liên quan đến sử dụng chất cấm, phụ gia độc hại trong sản xuất thực phẩm đã bị đưa ra ánh sáng. Việc các loại hóa chất được mua bán khá dễ dàng và tình trạng thực phẩm nhiễm
Các hộ kinh doanh phụ gia thực phẩm phải có trách nhiệm với cộng đồng bằng việc mua bán sản phẩm bảo đảm an toàn, rõ nguồn gốc. |
Phụ gia, hóa chất độc hại bày bán tràn lan
Đã qua cái thời chỉ sợ thực phẩm nhiễm vi sinh vật và chỉ cần ăn chín, uống sôi là có thể loại trừ hầu hết nguy cơ gây bệnh. Giờ thì ô nhiễm hóa chất và phụ gia thực phẩm (PGTP) độc hại mới thực sự đáng lo ngại. Ở các nước trên thế giới, người dân mua hóa chất, PGTP rất khó khăn vì doanh nghiệp kinh doanh hóa chất chịu sự quản lý rất nghiêm ngặt. Còn ở nước ta, mua hóa chất hoặc PGTP dễ như mớ rau, con cá.
Tại chợ Đồng Xuân, si rô, tinh dầu hoa quả đủ các mùi vị, hương thơm khác nhau như dâu tây, táo, cam, khoai môn… đựng trong chai nhựa được bày bán tràn lan. Vào mùa hè, những loại hương liệu này rất đắt khách. Người mua sử dụng nước si rô, tinh dầu hương liệu để pha đồ uống. Thêm chút hương liệu, cốc nước hoa quả sẽ có hương vị hấp dẫn hơn hẳn. Các loại tinh dầu hoa quả, tinh chất cà phê có giá rất rẻ, dao động khoảng 70.000-200.000 đồng/lít.
Điều đáng lo ngại, những loại hóa chất, phụ gia được bày bán tại đây đều không có nhãn mác, không nguồn gốc. Thậm chí, hóa chất dùng trong thực phẩm được bày bán lẫn lộn với hóa chất dùng trong công nghiệp (gồm cả hóa chất tẩy rửa, tẩy trắng, phẩm màu nhuộm…). Chỉ cần một sự nhầm lẫn nhỏ về chủng loại, hướng dẫn không đúng liều lượng và đúng cách có thể dẫn tới hậu quả khôn lường.
Không chỉ ngoài chợ, các loại hóa chất, PGTP còn được bán và quảng cáo công khai trên nhiều trang mạng. Khách hàng ngồi ở nhà vẫn có thể đặt hàng và được giao tận nơi, từ chất tạo màu, tạo đạm, chất tẩy trắng bún đến chất bảo quản thực phẩm chống chua, chống nhớt, chống mốc; phụ gia tạo giòn dai thay thế hàn the... Không ít trang mạng chuyên về PGTP còn cung cấp đầy đủ thông tin về các loại phụ gia giúp kéo dài "tuổi thọ" hay tăng sự hấp dẫn cho thực phẩm như: Chất chống mốc, chống nhớt, tăng thời gian bảo quản; phụ gia tạo cấu trúc giòn dai, tăng khả năng giữ nước; chất điều vị, hương liệu thực phẩm (hương vị bò, pa tê, xúc xích…).
Cuộc chiến chống thực phẩm "bẩn"
Theo Cục ATTP (Bộ Y tế), ngành công nghiệp thực phẩm trên thế giới được phép sử dụng hơn 3.000 loại chất phụ gia trong việc chế biến thực phẩm. Việt Nam hiện đang cho phép sử dụng 23 nhóm PGTP, bao gồm 337 chất (cả hương liệu). Tuy nhiên, chỉ từ 5 đến 10% mặt hàng này được sản xuất tại Việt Nam, còn lại đều nhập khẩu, trong đó có 30% phụ gia thực phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cho biết, hiện PGTP trôi nổi, nhập lậu rất nhiều, đặc biệt là từ Trung Quốc. Những loại phụ gia không nguồn gốc gây tác hại đến sức khỏe của người sử dụng, nhưng thường được dùng ở các cơ sở chế biến, kinh doanh nhỏ lẻ nên lực lượng chức năng không thể thống kê, kiểm soát được. Đây thực sự là nỗi lo ngại trong cuộc chiến chống thực phẩm "bẩn".
Việc sử dụng PGTP không đúng liều lượng, chủng loại, đặc biệt là phụ gia không được phép sẽ gây tác hại khôn lường cho sức khỏe. Hiện tại, mỗi năm nước ta có trên 5.000 người bị ngộ độc thực phẩm và hàng chục người tử vong, song đây chỉ là con số ngộ độc cấp tính. Chất độc từ PGTP không an toàn còn tích tụ trong cơ thể, gây ra các bệnh mạn tính thì chưa thể thống kê.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), hàn the là một chất cực độc, bị cấm sử dụng trong bảo quản và chế biến thực phẩm, nhưng nhà sản xuất vẫn đưa hàn the vào thực phẩm để tạo độ dai giòn, tăng thời gian bảo quản thực phẩm nhưng khi vào cơ thể, nó tích tụ trong gan, thận, gây tổn thương cho các bộ phận này. Ngoài ra, hàn the còn làm thoái hóa các cơ quan sinh dục, gây vô sinh. Trẻ em ăn phải thực phẩm có lượng hàn the 1-2g/kg thể trọng có thể dẫn đến tử vong sau 10-12 giờ…
Có thể thấy, xu hướng sử dụng phụ gia trong thực phẩm ngày càng tăng. Để có thực phẩm an toàn, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm của các nhà sản xuất với cộng đồng, cách tiếp cận để kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.