Các em học sinh trên khắp mọi miền Tổ quốc đang háo hức chờ đón những ngày Tết cổ truyền sắp đến. Nhưng các em đã biết phong tục trong những ngày Tết chưa? Hãy kể cho "Mỗi tuần một câu hỏi" cùng nghe nhé!
Em Nguyễn Thu Trang (HS lớp 8B, Trường THCS Yên Hòa):
- Em nhớ mọi năm, cứ đến ngày giáp Tết là em lại cùng mẹ ra chợ chọn mua hoa quả, bánh kẹo, bánh chưng, mứt Tết… Mẹ còn mua cả giò lụa, giò thủ, nem tai, nấm hương… để chuẩn bị làm các món ăn thật ngon trong mấy ngày Tết. Mọi người cùng nhau dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ, mua hoa đào, quất, lồng đèn trang trí. Bố mẹ nói là phải trang hoàng nhà cửa tươm tất trước Tết, mồng Một thì tránh quét nhà, dọn nhà, không thì sẽ mất hết may mắn đầu năm. Đêm giao thừa, mẹ bày mâm ngũ quả, mâm cỗ, thắp hương nhớ về tổ tiên. Mồng Một, mồng Hai Tết, cả nhà đi chúc Tết họ hàng, em nhận được rất nhiều phong bao lì xì. Ngày Tết quả là có nhiều phong tục độc đáo "Mỗi tuần một câu hỏi" nhỉ!
Em Trần Minh Thu (HS lớp 9A4, Trường THCS Từ Liêm):
- Em biết nhiều phong tục hay trong dịp Tết như cúng ông Công ông Táo, bày cành đào, xông đất, khai bút đầu năm, đi lễ chùa, hái lộc… Ngày Tết còn phải kiêng cãi cọ, không nói những điều xui xẻo… Nhưng có lẽ bạn HS nào cũng thích phong tục mừng tuổi. Những tờ tiền mới được bỏ vào bao màu đỏ xinh xắn với ý nghĩa đem lại nhiều điều may mắn cho chúng em. Đáng buồn là nhiều bạn quên mất ý nghĩa của phong tục ấy, chỉ quan tâm đến mệnh giá của tiền mừng tuổi. Đến nhà họ hàng, người thân hay khi có khách đến nhà chúc Tết là nhiều bạn tỏ ý vòi vĩnh để được mừng tuổi. Nếu thấy tiền mừng tuổi không nhiều như mong đợi, có bạn tỏ ý thất vọng ngay trước mặt khách, những lúc ấy ai cũng thấy ái ngại.
Cô Nguyễn Thị Ngà (phụ huynh HS, 125 Ngọc Lâm, Hà Nội):
- Tết Nguyên đán quan trọng với mọi người Việt Nam. Nhiều phong tục có từ ngàn đời được lưu truyền đến ngày nay. Ngày Tết là dịp con cháu báo hiếu với gia đình, tổ tiên nên không thể thiếu việc thờ cúng tổ tiên, chúc Tết, mừng tuổi… Có nhiều phong tục độc đáo như xin chữ, treo câu đối, trồng cây nêu, bày hoa mai, hoa đào, cành quất, hái lộc, đi lễ chùa, chọn giờ xuất hành, chọn tuổi xông nhà… Trong ý niệm của người Việt Nam ta, ai cũng muốn có được nhiều điều tốt lành trong những ngày Tết.
Theo thời gian, có phong tục đã bị mai một nhưng nhiều phong tục vẫn còn được lưu giữ đến nay, phản ánh nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Do đó, gìn giữ phong tục ngày Tết cũng chính là cách bảo tồn văn hóa. Theo tôi, những ngày trước Tết và trong Tết, mỗi phụ huynh nên dành thời gian kể cho con cái mình nghe về phong tục ngày Tết. Hiểu thêm về những phong tục này, trẻ em sẽ tự hào về truyền thống, luôn hướng về tổ tiên, cội nguồn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.