(HNMO) - Sáng 29-10, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước Hội Nhà báo Việt Nam giai đoạn 2020-2025 tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.
Đây là sự kiện chính trị, xã hội có ý nghĩa quan trọng đối với những người làm báo cả nước, được tổ chức đúng vào dịp các cấp Hội sôi nổi tổ chức đại hội nhiệm kỳ hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Tới dự Đại hội, về phía trung ương có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Hồng Lĩnh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương.
Về phía Hà Nội, dự Đại hội có Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.
Công tác khen thưởng của các cấp Hội có bước chuyển biến tích cực
Phát biểu khai mạc Đại hội, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu cho biết, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất", những năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2015-2020, công tác xây dựng và phát động các phong trào thi đua, công tác khen thưởng của các cấp Hội có bước chuyển biến tích cực. Phong trào thi đua yêu nước của Hội được đưa lên tầm cao mới, tạo khí thế thi đua sôi nổi, trở thành động lực quan trọng trong việc tập hợp, đoàn kết, động viên người làm báo không ngừng phấn đấu hoàn thành tốt trọng trách của mình.
Đại hội Thi đua yêu nước Hội Nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá một cách đầy đủ, khách quan phong trào thi đua, công tác khen thưởng của Hội trong 5 năm qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, các giải pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian tới. Đồng thời, Đại hội có ý nghĩa rất quan trọng trong việc động viên, cổ vũ đội ngũ người làm báo ra sức phấn đấu, thi đua, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước, cũng như sự nghiệp của nền báo chí cách mạng Việt Nam, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.
Báo cáo đánh giá tổng kết tại Đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết, trong giai đoạn 2015-2020, phong trào thi đua công tác Hội đạt được nhiều thành tựu. Trong đó, công tác xây dựng tổ chức Hội vững mạnh có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò, hiệu quả của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp của người làm báo, có sức lan tỏa trong đời sống báo chí cũng như đời sống xã hội.
Số người làm báo gia nhập Hội tăng nhanh, tính đến tháng 10-2020, Hội có 26.183 hội viên đang sinh hoạt tại 287 đơn vị cấp hội, gồm 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 19 Liên chi hội, 205 chi hội trực thuộc trung ương. Trong nhiệm kỳ, Hội kết nạp 8.314 hội viên mới, bình quân mỗi năm kết nạp gần 2.000 hội viên - đây là con số cao nhất từ trước đến nay.
Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam cũng như công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ người làm báo được đặc biệt chú trọng. Hội cũng tăng cường công tác kiểm tra, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên; xây dựng kỷ cương, nền nếp hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả ở cơ quan Trung ương hội; tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, thể thao, từ thiện xã hội...
Nhìn chung, trong 5 năm qua, công tác thi đua, khen thưởng đã được các cấp Hội coi trọng và từng bước đi vào nền nếp. "Các phong trào thi đua bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị, mục đích kinh tế - xã hội trọng yếu của đất nước và từng địa phương, đơn vị, có tác dụng thiết thực khơi dậy niềm tự hào, lòng yêu nước, ý thức đoàn kết, năng động, sáng tạo, tinh thần cống hiến trong cán bộ, hội viên. Công tác khen thưởng được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy định. Công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến đã có những chuyển biến tích cực", nhà báo Hồ Quang Lợi cho biết.
Bên cạnh những ưu điểm, hoạt động thi đua yêu nước của Hội trong 5 năm qua còn tồn tại, hạn chế, như: Công tác thi đua, khen thưởng của một số cấp Hội triển khai còn chậm; hình thức thi đua chưa thật sự phong phú và đa dạng; công tác sơ kết, tổng kết, kiểm tra, giám sát hiệu quả các phong trào chưa thường xuyên...
Không ngừng đổi mới, nâng cao phương thức hoạt động
Đóng góp ý kiến tại Đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hà Nội Kiều Thanh Hùng với tham luận "Tiếp tục đổi mới, nâng cao phương thức, nội dung hoạt động của Hội Nhà báo trong tình hình mới" cho rằng, thời gian qua, Hội Nhà báo thành phố đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình với vai trò là "mái nhà chung" của những người làm báo Thủ đô.
Hội đã tổ chức và vận động hội viên tham gia nhiều hoạt động, như: Hội báo toàn quốc, Hội khỏe Hội Nhà báo, các giải báo chí của thành phố, giải báo chí quốc gia... Mỗi năm, Hội tổ chức từ 3-6 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn ngày, tổ chức nhiều chuyến đi thực tế viết bài cho những người làm báo...
Để phát huy hiệu quả những thành quả đạt được, Hội Nhà báo Hà Nội đề xuất Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện để Hội phát triển vững mạnh hơn, như: Tham mưu đề xuất Nhà nước hỗ trợ kinh phí sáng tạo chất lượng các tác phẩm báo chí giai đoạn 2020-2025; khen thưởng kịp thời nhằm tạo động lực, cổ vũ các cấp Hội Nhà báo, hội viên thi đua lập thành tích; xây dựng và chuyển giao phần mềm quản lý hội viên cho Hội nhà báo các tỉnh, thành phố, đặc biệt là những nơi có đông hội viên như: Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh...
Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh Trần Trọng Dũng cũng cho rằng, để phát huy hiệu quả hơn nữa hoạt động báo chí trong thời gian tới, việc phát triển báo chí phải đi đôi với quản lý tốt, theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả, phong phú về nội dung, sắc bén về tính định hướng, tính chiến đấu... Về việc thực hiện đề án quy hoạch đối với từng cơ quan báo chí, giải quyết kịp thời các vướng mắc, theo nhà báo Trần Trọng Dũng, bài học kinh nghiệm rút ra là cần hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ của Hội, sâu sát, lắng nghe từ cơ sở để nắm chắc tình hình, từ đó chủ động tham mưu, đề xuất giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn, tạo đồng thuận khi thực hiện.
Tham luận về "Phát huy vai trò đội ngũ phóng viên văn phòng đại diện, thường trú trên địa bàn", Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An Trần Minh Ngọc cho biết, hiện Nghệ An đã thành lập Chi hội Nhà báo thường trú tại Nghệ An với 20 hội viên của 19 cơ quan báo chí có văn phòng đại diện. Để phát huy tốt hơn vai trò của đội ngũ phóng viên thường trú, Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cần tiếp tục chỉ đạo các liên chi hội, chi hội nhà báo, cơ quan báo chí có đặt văn phòng đại diện và phóng viên thường trú tại địa phương phối hợp với Hội Nhà báo địa phương trong các hoạt động nghiệp vụ; chấn chỉnh kịp thời đối với những phóng viên, cộng tác viên thường trú không đủ năng lực chuyên môn, có những biểu hiện tiêu cực khi tác nghiệp; có quy định cụ thể về đề nghị kết nạp hội viên mới...
Nhằm phát huy tốt hơn nữa những kết quả đã đạt được, tại Đại hội, Hội Nhà báo Việt Nam đã phát động phong trào Thi đua yêu nước giai đoạn 2020-2025, trong đó nhấn mạnh việc lấy kết quả công tác thi đua là một tiêu chí để đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đồng thời, mục tiêu tổng quát của công tác thi đua, khen thưởng Hội Nhà báo Việt Nam giai đoạn 2020-2025 là: Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đoàn kết, bản lĩnh, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thi đua xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, đội ngũ người làm báo giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững vàng về chính trị tư tưởng, gương mẫu về đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.
Tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chỉ thị số 34-CT/TƯ ngày 17-4-2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua..., Hội cũng phát động đợt thi đua rộng khắp trong toàn thể cấp Hội và hội viên để thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền triển khai Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp, thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng...
Tại Đại hội, Hội Nhà báo Việt Nam đã tặng Bằng khen cho 22 tập thể Hội và 17 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào Thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020.
Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự Đại hội đã tham gia ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Ban tổ chức cho biết, số tiền ủng hộ ngay tại Đại hội là hơn 47 triệu đồng. Hội Nhà báo Việt Nam sẽ trao số tiền này cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.