Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phong phú hàng hóa, ổn định giá cả

Thanh Hiền| 13/02/2018 06:58

(HNM) - Năm nay, với nguồn hàng hết sức phong phú được các doanh nghiệp bán lẻ chuẩn bị từ nhiều tháng trước Tết, giá cả có xu hướng ổn định rõ rệt...


Người dân mua sắm hàng Tết tại siêu thị Big C. Ảnh: Quỳnh Trang


Chủ động dự trữ hàng Tết

Với sự vào cuộc tích cực của thành phố, ngành Công Thương và các doanh nghiệp trong việc chủ động bảo đảm nguồn cung cho thị trường, tình trạng khan hàng, sốt giá đã không còn xảy ra trong dịp Tết những năm gần đây. Nhằm góp phần kích cầu mua sắm, hệ thống siêu thị Big C trên toàn quốc triển khai chương trình khuyến mãi “Dọn nhà mới rước lộc xuân”, giảm giá đến 50% áp dụng cho hàng nghìn mặt hàng bánh kẹo, mứt Tết, bia rượu, nước giải khát, đồ trang trí Tết, đồ gia dụng, điện tử, điện máy, quần áo thời trang...

Trong khi đó, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) - đơn vị chủ lực của thành phố trong công tác bình ổn giá, đã chủ động dự trữ lượng hàng hóa phục vụ Tết Mậu Tuất với trị giá hơn 1.000 tỷ đồng, tập trung vào 18 nhóm hàng hóa thiết yếu. Nguồn hàng được Hapro khai thác từ ba nguồn chính: Các nhà cung cấp lớn, có uy tín trên thị trường; sản phẩm của các đơn vị thành viên trực tiếp sản xuất và các mặt hàng tổng công ty làm đại lý cấp 1. Tổng Giám đốc Hapro Vũ Thanh Sơn cho biết, Hapro đặc biệt chú trọng đến chất lượng, nguồn gốc, an toàn thực phẩm và giá cả hàng hóa để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng. Cùng với 60 điểm bán hàng của tổng công ty trên địa bàn Thủ đô, Hapro còn tổ chức 13 gian hàng Tết ngoài trời (từ ngày 4 đến 13-2) theo mô hình “Quầy hàng Tết”; tổ chức “Chợ Tết” tại xã Đồng Tân, huyện Ứng Hòa để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân khu vực ngoại thành.

Tại hệ thống siêu thị Co.opmart, tổng lượng hàng hóa dự kiến cung ứng cho 3 tháng trước, trong và sau Tết là 130.000 tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng hàng bình ổn giá tăng 5 - 30% tùy nhóm; các mặt hàng còn lại tăng 15 - 30%. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông cho biết, các sản phẩm hàng hóa cung cấp trong siêu thị đều rõ nguồn gốc. Riêng đối với hàng tươi sống, rau xanh, siêu thị đều đặt tại các đơn vị sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Hệ thống siêu thị FiviMart cũng triển khai mô hình kinh doanh online với nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, tiết kiệm thời gian cho khách hàng, đồng thời kích cầu mua sắm… Theo bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị FiviMart), với 25 siêu thị và 1 cửa hàng tiện ích trên địa bàn Hà Nội, FiviMart đã có kế hoạch dự trữ hàng Tết sớm với nhà cung cấp từ tháng 11-2017, do vậy, bảo đảm đủ nguồn hàng phục vụ Tết.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thành phố đã chuẩn bị nguồn hàng trị giá khoảng 26.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái để chủ động bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Đáng chú ý, đối với các chợ là kênh phân phối truyền thống, chủ yếu cung ứng các nhóm hàng thiết yếu, dự kiến lượng hàng hóa phục vụ đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.

Không lo về giá


Với nguồn hàng hết sức phong phú, giá cả hàng Tết năm nay tiếp tục ổn định.Ảnh: Anh Tuấn


Những ngày này, các siêu thị đã đón lượng khách mua sắm khá đông, với lượng hàng được tiêu thụ lớn. Chị Mai Thanh Thủy (ở phố Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy) cho biết, rút kinh nghiệm năm ngoái mua sắm muộn, khi thanh toán mất nhiều thời gian, năm nay gia đình đi sắm Tết sớm hơn. "Hàng hóa tại siêu thị rất phong phú, giá cả ổn định không khác những ngày thường" - chị Thủy nhận xét.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, đến thời điểm này, các siêu thị đều bảo đảm ổn định giá cả các mặt hàng như thời điểm trước Tết. Bà Lê Mai Linh, Phó Chủ tịch Điều hành - Quan hệ công chúng Tập đoàn Central Group Việt Nam cho biết, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như bình ổn thị trường Tết Mậu Tuất 2018, Big C cam kết khóa giá - niêm yết giá không đổi đối với 11.300 sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh (không áp dụng cho mặt hàng rau củ quả, thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh, bia rượu, sữa và sản phẩm từ sữa), ngay cả khi giá của các sản phẩm này tại các siêu thị bán lẻ hiện đại khác biến động tăng dù bất cứ lý do gì. Trường hợp giá các siêu thị bán lẻ khác biến động giảm, Big C sẽ nhanh chóng điều chỉnh giá giảm để phù hợp với chương trình cam kết giá chiến lược của Big C.

Còn Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, bên cạnh những mặt hàng được UBND thành phố giao bình ổn giá, một số mặt hàng thiết yếu khác được Saigon Co.op chủ động giữ giá tốt hơn so với thị trường tối thiểu 5 - 10%. Những ngày cận Tết, Saigon Co.op cùng một số nhà cung cấp giảm giá thêm hàng nghìn sản phẩm đặc trưng Tết với mức khuyến mãi 10 - 50%.

Không chỉ nhộn nhịp tại các siêu thị, không khí mua sắm tại các tuyến phố Hàng Ðường, Hàng Giấy, Hàng Buồm, chợ Ðồng Xuân… cũng hết sức sôi động, tấp nập. Tiểu thương từ khắp mọi nơi đến mua buôn thực phẩm, bánh, mứt, kẹo, quần áo về bán lẻ. Chị Mai Phương, chủ một cửa hàng bánh kẹo trên phố Hàng Buồm cho biết, năm nay giá cả cũng ổn định hơn, đại lý bán lẻ đến mua hàng không phải quá lo về giá cả.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan, Sở Công Thương đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng đẩy giá, buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng… Trong đó, trọng tâm là kiểm soát việc bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; chống gian lận thương mại, bảo đảm xuất xứ hàng hóa; ngăn ngừa việc mua bán pháo nổ... phục vụ nhân dân vui Xuân, đón Tết an toàn.


Trong khi giá trái cây tại hệ thống siêu thị không tăng do thực hiện chương trình cam kết “khóa giá” thì tại chợ truyền thống, các loại trái cây, hoa tươi theo đà tăng giá cuối năm. Khảo sát tại chợ: Hàng Bè, Hôm - Đức Viên, Đồng Xuân, Bắc Qua..., chuối xanh tăng giá mạnh nhất, từ 4 đến 5 lần so với ngày thường, lên tới 180.000 - 250.000 đồng/nải; cam Canh tăng từ 30.000 đến 40.000 đồng/kg lên 60.000 - 70.000 đồng/kg... Các loại hoa tươi cũng tăng khoảng 2.000 - 3.000 đồng/bông; hoa cúc có giá 7.000 đồng/bông, lay ơn 150.000 đồng/bó 10 bông, hoa hồng 7.000 đồng/bông... 

Sức tiêu thụ thực phẩm tươi sống tại chợ truyền thống cũng bắt đầu tăng, kéo theo giá bán tăng mạnh từng ngày. Giá thịt lợn ba chỉ ngon 85.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg, dự kiến đến ngày 30 Tết có thể tăng lên 100.000 đồng/kg; sườn thăn giá 100.000 đồng/kg (có thể tăng lên mức 110.000 đồng/kg)... Giá rau những ngày qua cũng đã tăng mạnh, theo lý giải của các tiểu thương là do thời tiết giá rét kéo dài, kèm theo sương muối nên rau khó phát triển. Các mặt hàng khô như măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương... tăng nhẹ.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phong phú hàng hóa, ổn định giá cả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.