Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng ngừa tham nhũng: Quan trọng nhất là minh bạch

Tư Đô| 24/02/2010 07:07

(HNM) - Không phải bàn cãi về vai trò của yếu tố minh bạch trong công tác phòng ngừa tham nhũng. Điều đáng quan tâm là việc triển khai các biện pháp nhằm minh bạch hóa hoạt động của các cơ quan công quyền, công khai tiêu chuẩn, chế độ định mức trong chi tiêu nội bộ và minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ đã đáp ứng được yêu cầu của công tác phòng ngừa hay chưa?...


Tác dụng của công khai, minh bạch

Thông tin được công khai minh bạch trên mạng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giám sát hoạt động của các cơ quan công quyền.  Ảnh: Bá Hoạt


Nói về việc triển khai các giải pháp phòng ngừa tham nhũng thời gian qua, Chánh văn phòng BCĐ Trung ương về PCTN Vũ Tiến Chiến cho biết, các bộ, ngành, địa phương đã và đang tiếp tục đẩy mạnh việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việc công khai, minh bạch đã được tập trung vào các lĩnh vực: xây dựng cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục giải quyết công việc, gắn với cải cách hành chính; công khai việc sử dụng ngân sách, tài sản công, kinh phí chi tiêu nội bộ, công tác tổ chức cán bộ. Theo báo cáo của các tỉnh, thành trong cả nước, đã có 14.398 cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện các quy định về công khai, minh bạch và cơ quan chức năng đã kiểm tra tại 5.140 đơn vị về công tác này.

BCĐ Trung ương về PCTN cho biết thêm, việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung và thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn cũng đang được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Bộ Công thương đã ban hành 63 văn bản, sửa đổi, bổ sung 234 văn bản, hủy bỏ 36 văn bản quy định về chế độ định mức, tiêu chuẩn. Bộ Tài chính ban hành 215 thông tư hướng dẫn, quy định cụ thể về cơ chế quản lý tài chính, góp phần phòng ngừa tham nhũng... Từ việc minh bạch các quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ như trên, qua kiểm tra, cơ quan chức năng về PCTN đã tiến hành hơn 7 nghìn cuộc kiểm tra việc thực hiện, phát hiện 379 vụ vi phạm với giá trị thiệt hại là 50 tỷ 579 triệu đồng. Vì vi phạm các quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ đã có 442 cán bộ, công chức bị xử lý.

Việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức cũng được xem là một biện pháp phòng ngừa tham nhũng và cần được công khai. Ông Vũ Tiến Chiến cho biết, đến thời điểm hiện nay có 29/38 cơ quan, tổ chức ở trung ương ban hành danh mục các vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức cần phải chuyển đổi và đã có 1 nghìn cơ quan, đơn vị thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác vời gần 13 nghìn người được chuyển đổi... Tương tự, việc tiến hành minh bạch tài sản, thu nhập được dư luận đặc biệt quan tâm. Đến nay đã có 32 bộ, cơ quan ở trung ương và 26 địa phương hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2008, trong đó có 388.404 người kê khai lần đầu và 238.455 người kê khai bổ sung.

Nói phải đi đôi với làm

Tuy nhiên, việc minh bạch hóa các nội dung phục vụ công tác phòng ngừa tham nhũng chưa hẳn đã đáp ứng được yêu cầu. Trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, theo lãnh đạo BCĐ Trung ương về PCTN, tình trạng chậm công khai trong một số lĩnh vực còn khá phổ biến, chẳng hạn như trong các lĩnh vực: quy hoạch, dự án, chỉ tiêu ngân sách... Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị lạm dụng quy định về bí mật nhà nước để hạn chế công khai, minh bạch theo quy định. Trong công khai, minh bạch các quy định về tiêu chuẩn, chế độ còn gặp bất cập khi tiêu chuẩn chế độ chưa sát với thực tế. Về công khai, minh bạch tài sản, thu nhập cũng chưa đạt như mong muốn khi nhiều địa phương còn lúng túng trong quản lý và sử dụng các bản kê khai tài sản của cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, một số quy định của Đảng về công khai kết quả kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên chưa được thực hiện...

Những hạn chế đó, cùng với việc triển khai chưa "đều tay" ở nhiều địa phương, khiến cho việc thực hiện các biện pháp công khai, minh bạch để phòng ngừa tham nhũng chưa phát huy hết hiệu quả. Thêm nữa, hành lang pháp lý để thực hiện việc công khai minh bạch phục vụ phòng ngừa tham nhũng cũng còn những hạn chế nhất định. Trưởng BCĐ PCTN TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, Chính phủ cần có thêm những hướng dẫn trong việc thực hiện các giải pháp minh bạch trong phòng ngừa tham nhũng, như quy định về tiêu chuẩn đối với cán bộ, cách thức thực hiện kê khai tài sản... Trưởng BCĐ PCTN TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân còn nhấn mạnh, nhiều mối quan hệ kinh tế có nảy sinh quyền lợi cần được quy định về cách thức công khai, minh bạch để cơ quan chức năng có thể xác định sai phạm, chẳng hạn như tỉ lệ "hoa hồng" trong các hợp đồng kinh tế...

Tóm lại, công khai, minh bạch là yêu cầu rất cấp thiết để ngăn ngừa tham nhũng. Thời gian qua, nhiều địa phương, đơn vị đã cố gắng thực hiện nhiều biện pháp để đáp ứng yêu cầu này. Nhưng so với mong muốn của dư luận, so với đòi hỏi của công tác PCTN, mức độ công khai, minh bạch còn phải được đẩy lên một bước nữa... Lãnh đạo BCĐ Trung ương về PCTN cũng nhận thức được vấn đề đó và khẳng định, từ nhận thức phòng tham nhũng hơn chống tham nhũng, thời gian tới, yếu tố công khai, minh bạch trong phòng ngừa tham nhũng sẽ được đặc biệt quan tâm, triển khai ráo riết hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phòng ngừa tham nhũng: Quan trọng nhất là minh bạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.