(HNM) - Không bảo đảm các quy định an toàn, ý thức phòng ngừa cháy nổ trong hoạt động mua bán còn hạn chế… là những tồn tại ở nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP Hà Nội, có thể dẫn đến những sự cố như vụ cháy nổ kinh hoàng tại cây xăng 2B Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) năm 2013.
Tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống cháy nổ tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu là rất quan trọng. Ảnh: Sơn Hà |
Vẫn rất chủ quan...
Thống kê của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội cho biết, thành phố hiện có 485 cửa hàng xăng dầu, trong đó nhiều cửa hàng xăng dầu đang hoạt động kinh doanh tại khu vực đông dân cư. Qua rà soát, còn 23 cửa hàng kinh doanh xăng dầu không bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy.
Có mặt tại cửa hàng kinh doanh xăng dầu số 896 đường Láng (quận Đống Đa) vào giờ cao điểm, có thể nhận thấy dòng người và phương tiện tham gia giao thông đông đúc từ nút giao đường Láng - Vũ Phạm Hàm gây nên tình trạng ùn ứ. Để thoát khỏi khu vực này, người điều khiển phương tiện giao thông đã đi vào khu vực trụ xăng nằm sát lề đường. Mặc dù đã có bảng chỉ dẫn “Cấm lửa”, nhưng không ít người đi qua cây xăng vẫn sử dụng điện thoại, thậm chí có người còn hút thuốc lá và ném tàn thuốc ra đường chỉ cách trụ xăng vài mét. Hậu quả sẽ rất khó lường nếu như sự cố cháy nổ xảy ra tại cửa hàng xăng dầu này, khi ngay cạnh đó là hàng trăm người và phương tiện giao thông đang chờ tín hiệu đèn.
Theo Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội, tại một số cửa hàng xăng dầu vẫn còn xảy ra tình trạng nhân viên nghe điện thoại, hút thuốc… trong giờ làm việc. Một lỗi vi phạm an toàn cháy nổ khác cũng khá phổ biến là do nhân viên không tạm dừng bán xăng khi xe bồn đến bơm xăng xuống kho chứa. Đây là hành vi đặc biệt nguy hiểm vì quá trình bơm xăng, khí xăng tỏa ra xung quanh, nếu nhân viên vẫn bán xăng, phương tiện ra vào sẽ tạo nguồn lửa, nguồn nhiệt làm gia tăng nguy cơ cháy nổ. Đây là nguyên nhân gây ra vụ cháy ngày 5-7-2016 tại cửa hàng xăng dầu Sang Mạn (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai). Đám cháy không gây thiệt hại về người, tuy nhiên thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 1,5 tỷ đồng.
Thông tư 11/2013/TT-BCT của Bộ Công Thương ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu quy định, khoảng cách an toàn từ cột bơm và cụm bể chứa đặt ngầm của cửa hàng cấp 3 (cấp nhỏ nhất) đến ranh giới các công trình xây dựng ngoài khu vực cửa hàng là 18m đối với nơi sản xuất có phát lửa hoặc tia lửa; 50m đối với công trình công cộng và 5m đối với công trình dân dụng. Cửa hàng xăng dầu tiếp giáp với công trình xây dựng khác phải có tường bao kín có chiều cao không thấp hơn 2,2m bằng vật liệu không cháy.
Về đường và bãi đỗ xe của cửa hàng xăng dầu thì chiều rộng một làn xe đi không nhỏ hơn 3,5m, đường hai làn xe đi không nhỏ hơn 6,5m. Tuy nhiên, tại khu vực nội thành, để đáp ứng được quy định này là rất khó. Cửa hàng xăng dầu số 625 đường Đê La Thành (quận Ba Đình) là một ví dụ. Cửa hàng này nằm lọt thỏm trong một khu dân cư đông đúc, sát nhà dân không bảo đảm về khoảng cách an toàn. Chị Lê Thu Hằng (trú tại ngõ 627 Đê La Thành) cho biết, người dân trong khu vực cây xăng hằng ngày phải tiếp xúc với mùi xăng, dầu rất khó chịu và luôn trong tình trạng lo lắng vì sự cố cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra
Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy (Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội) cho biết, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố đã xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên đề các cơ sở kinh doanh chất dễ cháy, nổ xen lẫn khu dân cư. Từ ngày 1-8 đến 15-9 vừa qua, thanh tra Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố đã tiến hành thanh tra 13 cơ sở kinh doanh chất dễ cháy, nổ xen lẫn trong khu dân cư. Trong đó có một số cửa hàng xăng dầu như cửa hàng xăng dầu phố Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm), cửa hàng xăng dầu Thành Công (quận Ba Đình)... Mục đích của đợt thanh tra nhằm đánh giá đúng thực trạng việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy của người đứng đầu cơ sở, phát hiện những tồn tại, thiếu sót, sai phạm, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan. Đồng thời có những kiến nghị, yêu cầu người đứng đầu cơ sở khắc phục những tồn tại, thiếu sót được phát hiện.
Nhấn mạnh giải pháp tuyên truyền, Thiếu tá Tô Hồng Nho, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, Phòng hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy cho biết, thời gian qua đơn vị đã tăng cường giám sát và tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành quy định về phòng chống cháy, nổ của người kinh doanh xăng dầu. Đồng thời, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cũng tiếp tục đưa các quy định về phòng cháy, chữa cháy xăng dầu đến các buổi tuyên truyền tại khu dân cư để người dân có ý thức bảo đảm phòng cháy khi đến giao dịch tại cửa hàng xăng dầu.
Nguy cơ cháy, nổ tại các cửa hàng xăng dầu luôn tiềm ẩn. Khi xảy ra cháy, nổ việc xử lý cũng rất khó khăn, dễ cháy lan. Để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội khuyến cáo các chủ doanh nghiệp, chủ cửa hàng kinh doanh xăng dầu niêm yết nội quy phòng cháy, chữa cháy, các biển cấm tại cửa hàng. Các thiết bị điện như: Cầu chì, cầu dao, công tắc... phải đặt cách xa khu vực nguy hiểm và phải là thiết bị điện phòng nổ. Người dân khi đến mua xăng, dầu tại các cửa hàng tuyệt đối tuân thủ quy định về phòng cháy, chữa cháy để bảo đảm an toàn cho bản thân mình và những người xung quanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.