Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phong Lôi Ích

Đ.H.L| 25/06/2011 10:57

(HNNN) - Bức tranh cổ tả một viên quan ngồi xe với chiếc hộp kín muốn cho thấy đang ấp ủ nhiều dự định trong đầu. Đi theo hươu và tiền bạc là cách tìm tài lộc. Tuy nhiên phải cần người đẩy xe, đó chính là người tạo điều kiện, giúp đỡ thì mới đạt được mục đích. Ích là làm lợi cho bên dưới, như người ở địa vị cao hơn ban ơn cho mọi người.


Theo Thuyết văn, Ích là phì nhiêu, tăng ích lợi. Chữ Ích trên giáp cốt văn, nghĩa là tăng cường lợi ích, đặc biệt là liên quan đến quyền lợi và sức khỏe con người. Quẻ Ích có triệu là khô mộc khai hoa (cây khô nở hoa). Màu sắc quẻ này là xanh lục - da cam, tạo cảm giác thúc đẩy, giục giã, vui vẻ. Khi giảm bớt đến mức độ nào đó tất nhiên phải chuyển sang tăng thêm để cân bằng, đó là quy luật tự nhiên. Mọi cách thức tăng lên cần phải phù hợp và hài hòa, nên Ích là bớt trên, thêm dưới. Sự thêm thắt này rất đa dạng, hoặc chủ động hay bị động, ví dụ có thể là học hỏi cái hay của người khác, sửa chữa sai lầm của bản thân cũng có ý là tăng ưu, giảm khuyết. Từ những hiện tượng này, ta cần biết nguyên tắc của Ích như sau:

1. Cách tăng thêm và mong muốn tăng thêm nhìn nhận theo khía cạnh khác chính là ý chí tiến thủ. Nếu sự tiến thủ này không quá sức, chính đáng và có điều kiện thì bất kể tinh thần hay vật chất đều mang giá trị thực tiễn. Đây cũng là một điều kiện để có thể tiến lên trong cuộc sống và thường cả đời phấn đấu mới thấy cuộc sống có ích hay không. Thời Tam quốc, có một danh y tên là Đổng Tiên dựng lều ở chân núi Lư Sơn, treo biển hành nghề chữa bệnh. Điều đặc biệt là ông không bao giờ lấy tiền của bệnh nhân, dù chỉ một đồng xu. Ông chỉ chữa bệnh với điều kiện bất cứ người bệnh nào được ông chữa khỏi, nếu bệnh nhẹ thì trồng 1 cây hạnh, nếu bệnh nặng trồng 10 cây hạnh. Cứ như thế cho đến khi ông không chữa bệnh nữa thì dưới chân núi Lư Sơn đã có đến 10 vạn cây hạnh được trồng, phủ xanh một vùng, tỏa bóng rợp mát. Người đời gọi đó là rừng hạnh Đổng Tiên vì ngắm nhìn khu rừng đó mới thấy kết quả hành nghề y của ông to lớn thế nào. Và cuộc đời ấy có ích vô cùng.

2. Muốn có ích lợi cho bản thân mình, cần phải có lòng kiên trì và chân thành học hỏi. Muốn người khác giúp đỡ mình, thì bản thân phải khiêm nhường và tinh thần phấn đấu không mệt mỏi lúc nào cũng sẵn sàng. Vào thời nhà Minh, danh sĩ Lý Chí đến Bắc Kinh lúc đã 50 tuổi, nhưng vẫn ham học hỏi. Nghe nói Đàm văn lão nhân Tiêu Hồng rất giỏi về Kinh Dịch, thì xin đến làm học trò. Hàng ngày, Lý cùng ông Tiêu học Kinh Dịch từ sáng sớm đến tối khuya. Sau 3 năm khổ luyện, Lý đã thông thạo các quẻ dịch. Đến năm 59 tuổi, Lý Chí đến Hồ Bắc và xin định cư tại Chi Phật viện. Ông miệt mài đọc sách Nho giáo, kinh Phật, lịch sử trong hơn 10 năm, kết quả là ông đã viết được hơn 30 tác phẩm nghiên cứu, khảo cứu các loại, trong đó có hai bộ sách cấp tiến thời đó là Đốt sách và Giữ sách, phân tích tư tưởng cổ hủ trong lễ giáo phong kiến. Một con người đến tuổi tri thiên mệnh mà vẫn kiên trì học hỏi và làm được những điều có ích cho xã hội như vậy, thật đáng khâm phục.

3. Những cái muốn thêm của con người thường rất nhiều, nhưng muốn phải có nguyên tắc. Những gì đạo đức, đúng đắn thì muốn, những gì không đáng thì đừng muốn. Sự lựa chọn giữa lợi ích trong danh dự và phi danh dự là điều không dễ dàng. Thời nhà Đường, hai người con của Tể tướng Vĩ Quán Chi là Vĩ Ôn và Vĩ Áo đều rất có tài. Vĩ Áo tuy đỗ Tiến sĩ, nhưng không chịu a dua nịnh nọt bọn quyền quy, thế lực, nên đến 10 năm không được giữ chức vụ gì. Một lần quan ngự sử Cao Nguyên Dụ nói với Vĩ Ôn, về gợi ý cho Vĩ Áo chịu đến nhà nhờ cậy ông ta, thì sẽ có ngay chức quan ngự sử. Khi nghe Vĩ Ôn nói lại, Vĩ Áo từ chối vì cho rằng trên đời này không có chức quan nào lại do mình tự tiến cử cả? Thời Xuân Thu, nước Tần có thượng khanh Loan Thư theo quy định được hưởng bổng lộc 500 khoảnh ruộng, nhưng ông lại nghèo đến mức đồ thờ cúng trong tôn miếu cũng không có. Ông chỉ tập trung làm việc theo pháp luật, được nhân dân tin yêu và quý trọng. Cùng lúc ấy có một khách khanh khác là Khích Chí lại có tài sản cá nhân bằng một nửa tài sản quốc gia, họ hàng chiếm 50% số quan chức của cả đất nước, nhưng đến khi chết không được một mảnh đất chôn thây, tôn miếu cũng bị cày xới lung tung. Đó là kết cục của cái muốn thỏa thích, phi nghĩa.

4. Biện pháp thường gặp khi giải quyết các vấn đề thuộc lợi ích chung là tìm đúng người, làm đúng việc, giúp người lãnh đạo đủ mạnh vượt qua mọi trở ngại, đạt được mục đích. Tất nhiên, không phải ai cũng hiểu được đúng vai trò và lợi ích của mình. Thời Xuân Thu, vua nước Ngụy là Vũ Hầu mới lên ngôi, một hôm dẫn quần thần ngồi thuyền đi dạo chơi trên sông ngắm cảnh. Vũ Hầu nói với Ngô Khởi đứng bên rằng, núi sông hùng vĩ tráng lệ này là vật chi bảo (rất quý) của nước Ngụy. Ngô Khởi trả lời rằng, vật báu của đất nước không phải là địa lý mà là cái đức của nhà vua nước ấy. Từ đó, Vũ Hầu đặc biệt tín nhiệm Ngô Khởi, nhưng khi bổ nhiệm Tể tướng lại chọn Điền Văn mà không chọn Khởi. Ngô Khởi bất ngờ bị thất vọng, bực mình khiêu khích Điền Văn để so tài kể công xem ai hơn ai. Điền Văn công nhận tài đánh trận, chính trị, kinh tế của Khởi đều hơn mình. Ngô Khởi bèn đặt câu hỏi, nếu thế tại sao Văn lại ngồi địa vị trên Khởi? Điền Văn trả lời: Nhà vua mới lên ngôi, tình hình trong nước chưa yên ổn, các đại thần chưa tâm phục hết, quan lại cũng chưa được tín nhiệm nhiều. Tình hình đó nên minh quân chọn Tể tướng phải thích hợp để người trong ngoài nhìn vào đều thấy thỏa đáng, không phân biệt yêu ghét. Vậy nên, tuy công lao không bằng Ngô Khởi, nhưng Vũ Hầu lại chọn Điền Văn vì ông ta có tầm hiểu biết của Tể tướng.

5. San sẻ lợi ích cho người khác, nhưng đồng thời cũng phải biết nhận lợi ích của mình. Mối quan hệ trong quá trình hợp tác không thiếu những rào cản, hiểu lầm nên cần có giải pháp thỏa đáng giữa hai bên để tránh mâu thuẫn kéo dài, ảnh hưởng tới sự nghiệp chung. Thời Đông Hán, Khấu Tuần làm Thái thú, Giả Phục làm Tả tướng quân và đều là công thần của nhà Hán. Một lần quân của Giả Phục giết người, Khấu Tuần cho bắt và xử tội chết. Giả Phục nổi giận cho rằng mình bị xúc phạm, định bụng sẽ kéo quân đến Dĩnh Châu bắt, giết Khấu Tuần. Biết được chuyện đó, nên khi quân của Giả Phục đến, Khấu Tuần sai các huyện tiếp đón chu đáo, bản thân cũng tổ chức chiêu đãi rồi cáo bệnh về trước. Vì no say nên quân của Giả Phục không thể động binh được nữa. Việc bại lộ, Khấu Tuần dâng tấu lên Hán Vũ Đế xin không truy cứu trách nhiệm của Giả Phục. Từ đó, Giả Phục cảm động, xin nhận lỗi và kết bạn với Khấu Tuần. Đó mới là cái Ích lớn hơn vậy.

6. Muốn được tăng thêm là sự tăng cường về kiến thức, lực lượng, tinh thần hay dũng khí để đáp ứng nhu cầu thực tế chứ không phải là tham lam chỉ muốn thỏa mãn dục vọng cá nhân của mình. Nếu vật chất hóa sự ham muốn về vật chất, tiền bạc, sẽ mất đi sự tôn trọng của mọi người. Thời Đông Hán có 3 người bạn học rất thân nhau, được coi như 3 phần của con rồng ghép lại là Hoa Hâm, Bình Nguyên và Quản Ninh. Một hôm, Quản và Hoa cuốc đất trồng rau, bỗng bắt được thỏi vàng. Quản thản nhiên coi như gạch đá, ném sang một bên, còn Hoa nhặt thỏi vàng lên mân mê, xem xét. Hôm khác, Quản và Hoa đang ngồi đọc sách, bỗng có một viên quan ngồi kiệu đi qua cửa. Quản vẫn đọc sách bình thường, còn Hoa bỏ sách chạy ra xem. Sau hai sự việc ấy, Quản kiên quyết cắt đứt tình bạn với Hoa vì nhận định rằng, Hoa là một kẻ ham muốn vàng bạc và địa vị đến mức b phân tán tư tưởng, bỏ cả sách vở. Nhưng xét cho cùng, cái muốn ấy không phải là không chính đáng?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phong Lôi Ích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.