Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng khám bác sĩ gia đình: Chưa đủ sức hút

Hà Phạm| 17/08/2018 07:11

(HNM) - Qua 5 năm hoạt động, mạng lưới phòng khám bác sĩ gia đình tại TP Hồ Chí Minh ngày càng mở rộng, thế nhưng số bệnh nhân tìm đến vẫn khiêm tốn.

Còn nhiều khó khăn

Mô hình phòng khám bác sĩ gia đình được Bộ Y tế triển khai từ năm 2013 nhằm chăm sóc sức khỏe ban đầu một cách toàn diện hơn cho người dân, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. TP Hồ Chí Minh là 1 trong 8 địa phương triển khai thí điểm mô hình này.

TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh phát triển mô hình bác sĩ gia đình nhằm chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt hơn cho người dân.


Theo một số bệnh nhân, ban đầu nghĩ rằng điều trị ở phòng khám bác sĩ gia đình chi phí cao hơn, tuy nhiên nếu tính chi phí đi lại, dịch vụ y tế, thời gian chờ đợi thì phòng khám bác sĩ gia đình tiện lợi hơn, nhất là với các bệnh thông thường. Như đánh giá của bà Nguyễn Thị Ngãi (61 tuổi, ngụ tại quận 10) đang khám tại phòng chức năng về mắt và khúc xạ: "Trước đây, khi chưa biết nhiều về phòng khám bác sĩ gia đình, tôi thường lên Bệnh viện Mắt thành phố để khám và chữa trị. Mỗi lần đều đặt lịch khám dịch vụ trước nhưng cũng phải mất một buổi mới xong. Vậy nhưng khi nghe bạn bè giới thiệu về phòng khám bác sĩ gia đình, tôi đã đến khám thử. Thật bất ngờ vì trang thiết bị y tế ở đây đầy đủ, bác sĩ có chuyên môn khám rất kỹ, thời gian chỉ trong vòng 30 phút là xong”.

Ngoài những mặt đạt được thì mô hình bác sĩ gia đình ở TP Hồ Chí Minh cũng gặp không ít khó khăn. Khảo sát tại một số phòng khám bác sĩ gia đình tại các quận, huyện, trạm y tế ngoại thành cho thấy, các trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh thiếu, chỉ có một số thiết bị thông thường như: Ống nghe, nhiệt kế, máy đo đường huyết... Bên cạnh đó, danh mục thuốc cũng hạn chế, thậm chí không đủ khám, chữa bệnh thông thường. Đáng nói là nguồn nhân lực có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu. Vì vậy, số lượng bệnh nhân đến khám tại các phòng khám này rất hạn chế.

Ví dụ, phòng khám bác sĩ gia đình tại Bệnh viện Quận 2 được đánh giá là đầu tư hiện đại hơn so với các phòng khám khác, nhưng hiện cũng chỉ có trên 100 lượt người đến khám, chữa bệnh mỗi ngày. Nguyên nhân do tâm lý người dân luôn muốn lên tuyến trên điều trị bệnh và cho rằng phòng khám bác sĩ gia đình chưa đáp ứng được chất lượng khám, chữa bệnh.

Tương tự, tại Phòng khám Bác sĩ gia đình thuộc Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (quận 10), trung bình mỗi ngày mới chỉ có trên 40 bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, mặc dù phòng khám này được xem là mô hình chuẩn và được trang bị khá đầy đủ vật chất, trang thiết bị y tế như: Máy nội soi, máy đo khúc xạ, chụp X-quang, siêu âm, điện tâm đồ... Phòng khám có 14 chuyên khoa và 26 dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Nếu so với quy mô hiện đại của phòng khám thì số lượng người dân đến đây hiện vẫn ít.

Tạo cơ chế thu hút vốn đầu tư


Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về giải pháp tháo gỡ những khó khăn trên, PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng, Trưởng phòng khám Bác sĩ gia đình (Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) cho rằng, để mô hình này hoạt động có hiệu quả cần khắc phục những bất cập hiện nay. Trước hết là phải bảo đảm danh mục thuốc đầy đủ, đầu tư trang thiết bị y tế, tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao và xã hội hóa việc kêu gọi vốn đầu tư. Thậm chí, có thể tạo cơ chế cho cán bộ, công nhân viên đầu tư vào phòng khám, vừa giảm tiền ngân sách vừa tăng trách nhiệm của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân. Đồng thời, cần khoán Quỹ Bảo hiểm y tế theo định suất cho các cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu. Khi đó, đội ngũ y bác sĩ sẽ khám theo hướng dự phòng bảo vệ sức khỏe người dân. Đặc biệt, với những người có thẻ bảo hiểm y tế nên được khám miễn phí 2 lần trong một năm tại phòng khám bác sĩ gia đình, như vậy người bệnh sẽ lập tức tự tìm đến.

Để nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ nhân lực phòng khám gia đình, PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp đề xuất, luân phiên khám, chữa bệnh giữa bệnh viện tuyến trên với tuyến dưới. Đây cũng là cách nhằm giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Thời gian tới, phòng khám bác sĩ gia đình cần phát triển theo quy mô đa khoa. Tức là mở nhiều chuyên khoa, trong đó sẽ theo dõi sức khỏe toàn diện cho người dân, khi nào người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa nào thì đáp ứng ngay tại chỗ...

Theo GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, một trong những hướng đi của ngành Y tế thành phố là phát triển y tế cơ sở. Trong đó, Sở Y tế đẩy mạnh công tác đào tạo bác sĩ gia đình, phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình, đầu tư cho trạm y tế, xây dựng phác đồ hướng dẫn và tập huấn cho bác sĩ tuyến cơ sở nhằm nâng cao năng lực chuyên môn. Hiện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đang thí điểm chương trình đổi mới hoạt động trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình với 24 trạm y tế được chọn triển khai thí điểm giai đoạn đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng khám bác sĩ gia đình: Chưa đủ sức hút

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.