Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Phòng hỏa hơn cứu hỏa''

Thế Đan| 24/07/2022 06:08

(HNM) - Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn Thủ đô xảy ra 206 vụ cháy, trong đó có 5 vụ cháy lớn, 6 vụ cháy nghiêm trọng, làm 12 người chết, 10 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ cháy tăng 3 vụ, tăng 1 người chết… Địa bàn xảy ra cháy tập trung nhiều ở 12 quận với loại hình cơ sở xảy ra cháy nhiều nhất là nhà dân đơn lẻ, nhà kho, xưởng sản xuất và hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh... Cũng có đến 134 vụ cháy đã được làm rõ nguyên nhân là do gặp sự cố từ hệ thống, thiết bị điện.

Thực tế trên cho thấy, để kéo giảm số vụ cháy, nổ trên địa bàn Hà Nội xuống mức thấp nhất là một hành trình gian nan. Nói vậy là vì thời gian qua, UBND thành phố, trực tiếp là lực lượng công an, chính quyền cơ sở đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Tiêu biểu là đã duy trì và xây dựng 40.240 đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở, góp phần xử lý ban đầu, không để nhiều vụ cháy lây lan, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Toàn thành phố vận động được 100% các hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh tự nguyên mở “lối thoát hiểm thứ 2” để đáp ứng yêu cầu an toàn thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra.

Tuy nhiên, công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm 2022 vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Trong đó, nổi bật là một số chủ đầu tư vẫn không chấp hành những quy định về phòng cháy, chữa cháy khi số công trình chưa nghiệm thu đưa vào sử dụng vẫn còn. Đặc biệt, cả 30/30 UBND quận, huyện, thị xã chưa trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho đội dân phòng theo quy định của Bộ Công an.

Để hạn chế thiệt hại do cháy, nổ, giải pháp ưu tiên vẫn là phải tuân thủ nghiêm ngặt phương châm “phòng hỏa hơn cứu hỏa”. Do đó, nhiệm vụ thời gian tới của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thành phố cùng chính quyền các cấp là tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong lĩnh vực này, qua đó tạo chuyển biến tích cực, thực chất về nhận thức và hành động của cán bộ, nhân dân Thủ đô. Xây dựng và nhân rộng nhiều cách làm hay, mô hình mới về điển hình tiên tiến trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Chính quyền các cấp cần tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 151/KH-UBND ngày 27-5-2021 của UBND thành phố Hà Nội về khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm đối với các công trình không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đi vào hoạt động. Tăng cường kiểm tra khu dân cư, cơ sở, hộ gia đình trên địa bàn theo phân công, phân cấp; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy (phạt tiền, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động...).

Về lâu dài, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thành phố cần đẩy mạnh thực tập, diễn tập các tình huống chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại nhà cao tầng, siêu cao tầng, dưới tầng hầm, trung tâm thương mại… khi tốc độ đô thị hóa đang rất nhanh.

Do Hà Nội đang trong cao điểm nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện vẫn ở mức cao, đồng nghĩa với nguy cơ cháy, nổ thường trực hơn. Vì thế, mỗi gia đình, người dân cần trang bị cho mình ý thức sử dụng điện, nguồn nhiệt an toàn cũng như kỹ năng thoát hiểm cơ bản khi xảy ra cháy. Đó là điều kiện đủ để cùng với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ngăn ngừa các vụ cháy, nổ có thể xảy ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
''Phòng hỏa hơn cứu hỏa''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.